|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn ngành Tư pháp đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nước và tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được nâng cao.

Bên cạnh đó, công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực kịp thời, trách nhiệm. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: moj.gov.vn)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn hạn, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp còn có nhiều sai phạm…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều ý kiến, nhất là các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng, thực thi pháp luật và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong thời gian tới.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: moj.gov.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương trong năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tình hình năm 2022 dự báo có những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, vì đây là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định từ Đại hội lần thứ XI. Trong đó, cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, cần bám sát đường lối chủ trương của Đảng mà cụ thể là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho phát triển. Trong đó, chú trọng đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sơ vật chất; đầu tư tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, Hội Luật gia, Hội Luật sư; lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các ý kiến phản biện, ý kiến của Nhân dân, doanh nghiệp; đồng thời, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, xuất phát từ thực tiễn, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật