Kiều bào góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phát biểu tại Chương trình nghệ thuật “Xuân Quê hương 2023” với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Bằng nhiều hình thức và trên các lĩnh vực khác nhau, kiều bào ta đã góp phần quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội "Xuân Quê hương 2023".
Tối 14/1/2023 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra Chương trình nghệ thuật “Xuân Quê hương 2023” với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu là các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, trong đó có gần 1.000 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài về nước đón Tết Nguyên đán Quý Mão.
Phát biểu tại Chương trình “Xuân Quê hương 2023”, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái chào mừng đại diện bà con kiều bào ta từ khắp năm châu bốn bể về thăm quê hương, đất mẹ Việt Nam, cùng đồng bào cả nước, gia đình thân yêu sum họp ấm tình, đón Tết đoàn viên. “Gắn bó với quê hương là nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc, mà bất cứ ai mang dòng máu Việt đều không thể nào quên, như lời ca “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” – Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong kiều bào ta cùng chung tay
hành động thắp sáng tinh thần yêu nước vì một Việt Nam
thịnh vượng và hùng cường.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 vừa qua là một năm toàn dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ nội lực, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực quốc tế, vượt qua gian nan, thách thức, tận dụng cơ hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng.
Về kinh tế - xã hội, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, từng bước mở cửa trong trạng thái bình thường mới từ 15/3/2022, là cơ sở cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát với 3,25%; GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực; kim ngạch thương mại đạt 732 tỉ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,5%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh; việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và an ninh quốc gia được giữ vững.
Vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao cả trong hợp tác song phương và đa phương. Lần thứ hai Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong chuyến thăm tháng 9/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam “là một đối tác quan trọng” và “có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả”.
Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước, ngoại giao vắc-xin được triển khai hiệu quả, với 266 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, Việt Nam thuộc Top 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Phương cách phòng chống dịch COVID-19 của ta là kinh nghiệm tốt cho nhiều nước trên thế giới. Tháng 5/2022, Đại hội thể thao SEA GAMES 31 với hàng chục nghìn người tham dự, nhưng được tổ chức thành công và bảo đảm tốt an toàn phòng chống dịch.
“Dù còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải tập trung khắc phục, nhưng nhìn chung chúng ta không những đã vượt qua một năm đầy thách thức, khó khăn mà còn gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận trên tinh thần “trách nhiệm kép” đối với cả lợi ích quốc gia và trách nhiệm toàn cầu” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho biết: Bằng nhiều hình thức và trên các lĩnh vực khác nhau, kiều bào ta đã góp phần quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, đóng góp hàng chục tỷ đồng hỗ trợ quá trình chống dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả của thiên tai bão lũ… Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là “chất xúc tác” đóng góp quan trọng vào những thành công của hoạt động đối ngoại của nước ta. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, tôn giáo, bà con kiều bào đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc, quảng bá những hình ảnh, những giá trị văn hoá Việt ở nước ngoài và hình thành một mạng lưới các sứ giả hữu nghị với các nước… Nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh, lớn mạnh. Các hiệp hội, mạng lưới doanh nhân kiều bào đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam hợp tác làm ăn, đầu tư. Tính đến tháng 10/2022, đã có 385 dự án đầu tư FDI của kiều bào ta tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, lưu trú… Nhiều dự án hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển của các địa phương, tạo nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách... Lượng kiều hối gửi về nước ngày càng lớn, tương đương 7% GDP và là nguồn lực rất quý giá cho đất nước... Đội ngũ hơn nửa triệu trí thức kiều bào là nguồn chất xám quan trọng, đã và đang tham gia các hoạt động khoa học sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển công nghệ trong nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong rằng kiều bào ta – những người con mang dòng máu Lạc Hồng – sẽ luôn nhớ “một chữ đồng” như Bác Hồ đã dạy, để cùng chung tay hành động thắp sáng tinh thần yêu nước vì một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá công tác
về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai
mạnh mẽ, toàn diện.
Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, một trong bốn trọng tâm của ngành ngoại giao, tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện. Năm qua là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 169 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 – 2026.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: Công tác chăm lo, hỗ trợ bà con và công tác đại đoàn kết dân tộc, huy động nguồn lực kiều bào tiếp tục được chú trọng. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước rất quan tâm, dành thời gian trực tiếp thăm hỏi bà con ta ở nhiều nước trên thế giới trong các chuyến công tác nước ngoài. Nhiều hoạt động kết nối kiều bào với quê hương được tổ chức ngay sau khi quốc tế mở cửa trở lại như chương trình Xuân Quê hương 2022, Giỗ Tổ Hùng Vương, Đoàn Kiều bào thăm Trường Sa và Nhà Giàn DK1, Trại hè Việt Nam… Hoạt động hỗ trợ địa vị pháp lý và đời sống cho bà con, nhất là ở địa bàn khó khăn như Ucraina và Campuchia, được triển khai tích cực, kịp thời, hiệu quả. Điều này tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, những thành tựu quan trọng mà đất nước ta đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp vô cùng quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài. Kiều bào ta ngày càng đồng thuận, ủng hộ sự nghiệp đổi mới và sẵn sàng chung vai gánh vác những trọng trách của đất nước, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng ta, kiều bào là máu thịt, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, ngành Ngoại giao cùng các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm lo, hỗ trợ kiều bào. Các cơ quan đại diện phải thực sự là những chỗ dựa tin cậy, mái nhà chung thắm tình nghĩa đồng bào của bà con ta ở nước ngoài.
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn trong Chương trình.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương 2023” với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng” được dàn dựng công phu, ấn tượng với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình đa dạng về loại hình, thể loại, đã thể hiện rõ nét sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam, hài hòa trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chương trình “Xuân Quê hương” năm 2023 dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2023 nhằm kết nối kiều bào với trong nước. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước./.