A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh: Sẽ bố trí đủ vốn giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

Năm 2011, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ triển khai trên địa bàn toàn quốc đã kết thúc, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh bố trí cho công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ (QLBVR-KNTSRPH) chưa kịp thời, nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác QLBVR. P.V Báo Bình Định phỏng vấn ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh (Sở NN-PTNT), về vấn đề này.

* Xin ông cho biết về công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua.

- Trong các năm qua, từ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án Bảo vệ và phát triển rừng, các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giao khoán QLBVR-KNTSRPH với tổng diện tích gần 106 ngàn ha rừng cho người dân quản lý, bảo vệ, bình quân mỗi hộ được nhận khoán 10 ha rừng, mức hỗ trợ mỗi ha là 200 ngàn đồng/năm. Trong đó, diện tích giao khoán QLBVR là 94.363 ha, khoán KNTSRPH là 11.542 ha.

Nhìn chung, việc thực hiện công tác giao khoán thời gian qua đã góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ tại các địa phương trong tỉnh, tăng độ che phủ của rừng, hạn chế nạn chặt phá rừng trái phép. Đời sống của nhiều hộ gia đình nhận khoán QLBVR từng bước được nâng cao; thu nhập từ kinh phí bảo vệ rừng đã trở thành nguồn thu nhập chính, tạo động lực khuyến khích để bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương ngày càng tốt hơn…

* Được biết, năm 2011, Chương trình trồng mới 5 triệu ha của Chính phủ đã kết thúc nên kinh phí hỗ trợ cho công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương?

- Các năm trước đây, khi còn được tham gia Chương trình 5 triệu ha rừng, mỗi năm, nguồn ngân sách của Trung ương bố trí cho tỉnh ta trên 20 tỉ đồng để thực hiện công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH, trồng mới rừng… Tuy nhiên, từ năm 2011, do Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ đã kết thúc nên Trung ương không còn bố trí nguồn vốn này cho các địa phương trong toàn quốc. Để đáp ứng nguồn vốn cho công tác này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh tự bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc giao khoán QLBVR-KNTSRPH, chăm sóc rừng trồng.

Thực hiện chủ trương trên của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, UBND tỉnh đã bố trí cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các huyện số kinh phí trên 10,6 tỉ đồng để chi trả cho người dân nhận khoán trong 4 tháng đầu năm 2011 và thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng lần 1.2011. Riêng với các huyện miền núi như: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình 30a của Chính phủ đã bố trí đủ 100% vốn cho việc giao nhận khoán với diện tích 55.990 ha. Còn lại, kinh phí để thực hiện công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH, chăm sóc rừng trồng 8 tháng cuối năm 2011 của các huyện như Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn chưa thể bố trí kịp.

Để có kinh phí chi trả cho các hộ gia đình tham gia nhận khoán trong 8 tháng cuối năm 2011, vừa qua, Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung nguồn kinh phí với số tiền gần 5,9 tỉ đồng. Trong đó, giao khoán QLBVR 1,266 tỉ đồng, khoán KNTSRPH 2,586 tỉ đồng, chăm sóc rừng trồng lần hai là 1,606 tỉ đồng và chi cho công tác quản lý sự nghiệp 436 triệu đồng.

* Hiện nay, việc giải quyết bố trí nguồn vốn bổ sung cho công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Trước khó khăn trên, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở NN-PTNT và Sở KH-ĐT để tìm nguồn vốn bổ sung cho công tác giao khoán QLBVR-KNTSRPH cho các địa phương. Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ bố trí đủ nguồn vốn bị thiếu cho các địa phương vào năm 2012 tới, nhằm giúp người dân có điều kiện QLBVR-KNTSRPH, chăm sóc rừng được tốt hơn. Như vậy, dù hơi chậm, nhưng với nỗ lực của các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh thì năm tới, kinh phí cho công tác giao khoán sẽ được cấp đủ.

Hiện nay, theo báo cáo của các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện việc ký kết hợp đồng giao khoán QLBVR-KNTSRPH với các hộ gia đình theo quy định và vận động các hộ tiếp tục chăm sóc rừng lần hai năm 2011 theo đúng thời vụ, nhằm tránh tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng rừng bị phá…

* Cảm ơn ông!


Tin nổi bật Tin nổi bật