|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Đề án Phát triển nghề công tác xã hội

Đưa công tác xã hội (CTXH) trở thành một nghề chuyên nghiệp, có các chức danh, quyền hạn cụ thể là một vấn đề đặt ra từ nhiều năm qua. Ở tỉnh ta, Đề án Phát triển nghề CTXH đã chính thức được triển khai…

Từ “lỗ hổng” ngành CTXH

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 3 cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH), 1 cơ sở giáo dục lao động xã hội, 1 trường giáo dục chuyên biệt của nhà nước; 1 cơ sở BTXH của tư nhân và 1 cơ sở của tổ chức Phật giáo. Các cơ sở nói trên đang nuôi dưỡng tập trung gần 900 đối tượng.

Tuy nhiên, trong số những người hoạt động CTXH, có đến 597 người chưa qua đào tạo, tập huấn hoặc bồi dưỡng về CTXH; 1.041 người đang có nhu cầu đào tạo và đào tạo lại (ngắn hạn, dài hạn và bậc cao), tập huấn hoặc bồi dưỡng về CTXH. Thực tế đó đặt ra những thách thức lớn cho công tác phát triển nghề CTXH ở tỉnh ta.Theo số liệu điều tra, rà soát đến tháng 1.2011, toàn tỉnh có 1.514 người đang làm việc và hoạt động có liên quan đến CTXH. Trong đó, có 201 cán bộ, viên chức, nhân viên hiện đang công tác tại các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và các trung tâm BTXH cấp tỉnh; 252 cán bộ đang công tác tại các phòng, ban, hội, đoàn thể cấp huyện và 1.061 cán bộ, nhân viên cấp xã. Số cán bộ nói trên trong quá trình làm việc có liên quan trực tiếp đến CTXH như hướng dẫn thực hiện tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ xây nhà ở, thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng, bảo vệ chăm sóc trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, người già cô đơn, người nhiễm HIV, người bị bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội, cứu trợ đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn và các hoạt động trợ giúp khác…
Đáp ứng nhu cầu thực tế

Ngày 23.11.2010, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2728 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH tỉnh Bình Định giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu chính của Kế hoạch này là tỉnh Bình Định cùng với cả nước phát triển CTXH trở thành một nghề. Cụ thể là nâng cao nhận thức của người dân về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại một số địa phương, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn.

Việc tỉnh ta nhanh chóng xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH đã đáp ứng nguyện vọng của nhiều người đang công tác trong ngành CTXH.  Theo Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn CTXH, Khoa Tâm lý giáo dục và CTXH, Trường Đại học Quy Nhơn, đầu tư phát triển nghề CTXH là một chủ trương hoàn toàn đúng, cần thiết để giúp những người làm CTXH có những kiến thức, kỹ năng tối thiểu; từ đó, triển khai các lớp sơ cấp, trung cấp… để đào tạo bài bản hơn nữa.

“Qua các buổi lên lớp, tôi đã cung cấp cho sinh viên ngành CTXH nhiều thông tin về Đề án Phát triển nghề CTXH ở tỉnh ta, giúp cho các em có cơ hội nhìn nhận về cơ hội việc làm của mình khi ra trường. Từ đó, có động lực để học tập tốt hơn. Mặt khác, các giảng viên cũng có ý thức tốt hơn đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt công tác giảng dạy để theo kịp nhu cầu phát triển của ngành CTXH”- Thạc sĩ Tuấn chia sẻ.

Sáng 15.11, Sở LĐ-TB&XH khai mạc Lớp Tập huấn nghiệp vụ CTXH, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ của phòng LĐ-TB&XH, hội, đoàn thể các huyện, thành phố; cán bộ viên chức công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội; cán bộ làm công tác xã hội ở xã, phường, thị trấn. Có 200 học viên tham gia tập huấn, được chia thành 3 lớp, mỗi lớp tập huấn diễn ra trong 6 ngày.


Tin nổi bật Tin nổi bật