A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ một mô hình sản xuất

Trong năm 2010 và 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã thực hiện thành công mô hình (MH) trồng bắp non làm thức ăn gia súc tại Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn…

Sản phẩm bắp non (cả thân, lá, quả) được Công ty CP Bò sữa Bình Định (CTBSBĐ) thu mua toàn bộ để làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân đạt từ 15- 20 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn 5 triệu đồng so với thu hoạch bắp già lấy hạt, giảm chi phí công thu hoạch, tách hạt, rút ngắn thời gian trồng bắp khoảng 30 ngày để có điều kiện tăng vụ và luân canh cây trồng, giảm áp lực nước tưới...

Ông Phan Sĩ Hùng - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phù Cát - cho biết: MH đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Phù Cát, do không cạnh tranh đất với cây trồng khác. Trên chân đất xám, cát pha bạc màu, ở vụ Hè và vụ 3 cây bắp vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. 2 năm qua, diện tích bắp non ở Phù Cát đạt 150 ha; việc tiêu thụ bước đầu khá thuận lợi vì CTBSBĐ thu mua tại ruộng với giá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thời vụ trồng bắp non cũng giống như trồng bắp lấy hạt, có thể trồng trong vụ Đông xuân, vụ Hè Thu, đặc biệt vụ Thu Đông nên bắt đầu từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8 để có sản phẩm tập trung bán cho CTBSBĐ dự trữ bằng phương pháp ủ chua. Hiện nay, đàn bò sữa ở tỉnh ta có trên 5.000 con, riêng CTBSBĐ có gần 2.000 con, dự kiến đến năm 2015 ổn định tổng đàn 10.000 con. Một yêu cầu bức thiết là thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò sữa, trong đó cây bắp thu hoạch cả thân, lá và bắp non được xem là chủ yếu. Hiện, CTBSBĐ có nhu cầu thu mua với số lượng khá lớn, khoảng 60 tấn/ngày và dự  trữ ủ chua 7.000 m3/đợt.

Đến nay tại Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh đã phát triển sản xuất được 335 ha bắp non, năng suất bình quân đạt 39,5 tấn/ha. Đặc biệt 2 xã Cát Tài (Phù Cát) và Nhơn Khánh (An Nhơn) sản xuất bắp non chuyên canh 4 vụ/năm với diện tích 10-15 ha/vụ. Về giống, bà con nông dân sử dụng chủ yếu các giống bắp lai có tiềm năng năng suất cao như: LVN10, DK888, DK989, SSC586...

Theo ông Nguyễn Xuân Thưởng, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh: MH này phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp tăng hệ số quay vòng đất; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp giải quyết vấn đề thức ăn thô xanh cho chăn nuôi bò sữa, và cả cho bò lai, nhất là khi chăn nuôi vỗ béo bò đang phát triển khá mạnh. Việc trồng bắp non làm thức ăn cho gia súc còn giúp cho bà con ở miền núi, vùng cao có thể chủ động nguồn thức ăn dự phòng, phòng chống đói rét cho trâu - bò trong mùa Đông.

Để việc trồng bắp non phát triển ổn định, ngoài công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN, CTBSBĐ cần có chính sách khuyến khích nông dân phát triển trồng bắp non, như có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng thu mua, có chính sách hỗ trợ cho tạm ứng vốn, giống bắp, vật tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất.


Tin nổi bật Tin nổi bật