A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo dục QP-AN ở Trường Đại học Quy Nhơn: Kết quả tích cực

Thời gian qua, Trường Đại học Quy Nhơn đã có nhiều cố gắng trong công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho sinh viên (SV) và đạt được những kết quả tích cực, góp phần đào tạo toàn diện cho SV.

Chương trình đào tạo đối với SV toàn khóa những năm trước chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một, chủ yếu cho SV năm thứ nhất, SV được trang bị kiến thức về QP-AN. Giai đoạn hai, dành cho SV năm thứ ba, thứ tư, SV được củng cố thêm kiến thức bộ môn bằng các giờ thực hành ngoài thao trường, mà phần lớn là tại các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, chương trình có sự điều chỉnh hợp lý hơn, lý thuyết gắn thực hành nên SV tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Xác định cơ sở vật chất có vai trò quan trọng đến kết quả giảng dạy và học tập, từ nhiều nguồn như: mua sắm, sự hỗ trợ của các đơn vị bạn và liên hệ với các đơn vị lực lượng vũ trang, Trường đã từng bước trang bị cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục QP-AN. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dạy và tăng tính thực tế cũng như sự hứng thú cho người học.

Những năm qua, Trường Đại học Quy Nhơn luôn đảm bảo 100% SV tốt nghiệp đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ quốc phòng. Đặc biệt từ năm 2006, Trường đã tuyển sinh và đào tạo SV bộ môn Giáo dục QP-AN. Đến nay, Trường đã và đang đào tạo gần 300 SV, trong đó có hơn 100 SV đã tốt nghiệp về dạy tại các trường phổ thông.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí cho việc mua sắm trang thiết bị rất lớn; việc bảo hành phức tạp; nhiều chủng loại khó mua sắm; sân bãi của Trường chưa đảm bảo, gặp rất nhiều trở ngại khi thời tiết xấu; chưa xây dựng được các trung tâm giảng dạy riêng nên chưa tạo được môi trường thực tế cho người học.

Hiện tại, với đối tượng chuyên ngành, cơ cấu giờ học còn chênh lệch với 40% cho Quốc phòng và 60% cho Thể thao, nên khi ra trường, SV phải học nâng cao thêm 18 tháng ở các trường quân sự. Với đối tượng không chuyên chủ yếu chỉ dạy vào dịp hè. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên còn thiếu, hiện Trường mới có 5 giảng viên. Mặt khác, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chỉ đủ đáp ứng một bộ phận SV, số lượng còn lại, Trường phải liên hệ gửi tới các trường quân sự và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn.

Một vấn đề khác là không ít SV chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của bộ môn Giáo dục QP-AN. Một số SV chỉ xem đây là một môn phụ, học để lấy chứng chỉ làm điều kiện khi tốt nghiệp nên chỉ cần đạt là đủ, không chú trọng đến chất lượng học tập.

Để hoạt động dạy và học Giáo dục QP-AN ở Trường Đại học Quy Nhơn những năm tới đạt kết quả cao hơn, trước tiên, cần có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo nhà trường về công tác giảng dạy QP-AN. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất chuyên dụng và đưa điểm Giáo dục QP-AN vào các tiêu chí để đánh giá chất lượng học tập của SV.


Tin nổi bật Tin nổi bật