Ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở TN-MT: Quyền lợi của người dân về đất đai sẽ từng bước được cải thiện
* Ông có thể cho biết về công tác cấp GCN QSDĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Từ tháng 5.1990, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 28 về việc “Cấp GCN Quyền sở hữu nhà ở (còn gọi là sổ xanh). Sổ xanh đã góp phần giải quyết nhu cầu quyền sở hữu về nhà, đất của tổ chức, cá nhân; đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân trong các quan hệ, giao dịch về kinh tế… Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, sổ xanh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời. Theo quy định của điều 50, Luật Đất đai năm 2003, trong các loại giấy tờ để được công nhận QSDĐ không có sổ xanh. Điều này ảnh hưởng bất lợi với tổ chức, cá nhân trong giao dịch; đồng thời, gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ sổ cũ sang sổ mới… Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công tác cấp GCNQSDĐ tại đô thị, nhất là ở TP Quy Nhơn, gặp không ít trở ngại, khó khăn.
* Vậy tỉnh ta đã có giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc trên?
- Trước những bất cập nêu trên, cùng với một số sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản 4102 ngày 24.11.2010 “Giải quyết vướng mắc khi chuyển từ Sổ chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Theo đó, với những trường hợp đã được cấp sổ xanh mà diện tích đất ghi trong sổ là đất xây dựng và đất sân vườn, nay khi chuyển sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được xử lý. Cụ thể, trường hợp tổng diện tích đất xây dựng và đất sân vườn nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức diện tích đất ở để công nhận QSDĐ theo Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND thì diện tích đất ghi trong sổ xanh là đất xây dựng và đất sân vườn được xác định là đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp nếu tổng diện tích đất xây dựng và đất sân vườn lớn hơn hạn mức diện tích đất ở để công nhận QSDĐ thì phần diện tích đất ghi trong sổxanh là đất xây dựng và đất sân vườn vượt hạn mức theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định 52, khi chuyển sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì phần diện tích đất ở (chưa xây dựng nhà ở) vượt hạn mức phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Ngày 8.9.2011, UBND tỉnh ban hành văn bản 2911 nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc chuyển đổi từ sổ cũ sang sổ mới. UBND tỉnh xác định: Với những hộ gia đình, cá nhân đã được UBND tỉnh cấp sổ xanh, nếu có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó có ghi rõ diện tích đất phù hợp với hiện trạng sử dụng đất thì khi chuyển sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được xác định lại diện tích đất ở theo diện tích đất ở ghi trên giấy tờ về QSDĐ; hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền SDĐ với phần diện tích chênh lệch giữa diện tích đất ở ghi trên giấy tờ về QSDĐ và diện tích đất ở ghi trên sổ xanh. Chính nhờ vậy, công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện.
* Nhưng theo phản ảnh của người dân, công tác cấp GCNQSDĐ ở tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề liên quan đến giấy tờ do chế độ cũ cấp?
- Vâng! Thực tế có như vậy. Nguyên nhân là tại khoản e, Điều 50 Luật Đất đai cũng có đề cập đến việc giải quyết các loại giấy tờ của chế độ cũ về đất đai; song Trung ương lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên địa phương khó thực hiện. Trước thực trạng trên, Sở TN-MT và một số sở, ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 447 về việc công nhận các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người đang sử dụng đất.
Quyết định nêu rõ: Công nhận các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất có giá trị như các giấy tờ về QSDĐ để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất... Cụ thể, các loại giấy tờ được công nhận gồm: Bằng khoán điền thổ; văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ; bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận; giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp; bản án của cơ quan tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng công nhận một số loại giấy tờ như: Bản trích lục địa bộ, chứng thư kiến điền, giấy cho phép tạm sử dụng đất công, chứng chỉ nghiệp chủ, chứng chỉ trạng thái bất động sản, trích lục địa bộ tạm...
Tuy vậy, xin được lưu ý, trong Quyết định 447, UBND tỉnh cũng xác định rõ nguyên tắc thực hiện là chỉ công nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định liên tục trước năm 1975 đến nay, được UBND xã, phường, trị trấn xác nhận không có tranh chấp. Trường hợp giấy tờ không ghi rõ diện tích đất ở (thổ cư) thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể về thời điểm xây dựng nhà ở, các giấy tờ có liên quan và căn cứ vào xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về thời điểm hình thành đất ở (xây dựng nhà ở) để xác định nghĩa vụ tài chính phù hợp với quy định của pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!