Giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại các địa phương: Những bất cập cần giải quyết
Một cửa ở huyện: thu hẹp
Cách đây nhiều năm, khi mới ra đời và đi vào hoạt động, bộ phận một cửa của các huyện, thành phố có chức năng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tất cả các lĩnh vực: tư pháp, tài chính, nhà đất, công thương. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, theo các quy định mới, hồ sơ trên lĩnh vực đất đai được giải quyết (cũng theo quy trình một cửa) tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện; các thủ tục cấp bản sao, chứng thực bản sao và chữ ký cũng được chuyển về bộ phận tư pháp xã thực hiện... nên công việc của bộ phận một cửa cấp huyện giảm lại.
Kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính của đoàn kiểm tra Sở Nội vụ tại một số địa phương mới đây cho thấy, hầu hết bộ phận một cửa ở các huyện, thành phố trong tỉnh đều bị thu nhỏ lại so với trước. Như tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc Văn phòng UBND huyện Tuy Phước chỉ còn tiếp nhận hồ sơ trên hai lĩnh vực là cấp phép kinh doanh và xây dựng. Các phần việc khác như: đăng ký quyền sử dụng đất, tư pháp, hộ tịch, chứng thực thì đưa về giao cho các đơn vị chuyên môn và các xã, thị trấn. Bộ phận một cửa của huyện An Nhơn cũng chỉ làm rất ít việc, còn bộ phận một cửa Vĩnh Thạnh thì đưa tất cả các TTHC về xã và các phòng chức năng liên quan giải quyết.
Điều này cũng được các địa phương nhìn nhận và có ý kiến. Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, kiến nghị: “Hiện nhu cầu công dân đến liên hệ giải quyết TTHC với bộ phận một cửa của huyện rất ít, do đó, việc duy trì hoạt động của bộ phận này ít hiệu quả và gây tốn kém. Đề nghị tỉnh xem xét chỉ đạo để bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả hơn”.
Mặt khác, việc giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa ở cấp huyện cũng còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Với các TTHC liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian giải quyết công việc đối với từng cơ quan, đơn vị mà chỉ có khung thời gian chung, dẫn đến một số trường hợp trễ hẹn trả kết quả cho công dân.
Một cửa ở xã: mở rộng
Trong khi bộ phận một cửa ở cấp huyện dần “teo” lại thì các TTHC theo cơ chế một cửa ở cấp xã lại “phình” ra. Theo quy định tại Quyết định 345 ngày 28.7.2010 của UBND tỉnh về việc hủy bỏ một số TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh, có 10 TTHC thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp và giáo dục được hủy bỏ. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn yêu cầu công dân phải có các thủ tục này.
Chẳng hạn, để được thăm thân nhân đang bị thụ án tại các trại giam, công dân vẫn phải đến UBND xã xin xác nhận “thường trú tại địa phương” theo yêu cầu của trại giam dù thủ tục này đã bị hủy bỏ. Tương tự, các thủ tục như: Xác nhận đơn xin học nghề ngắn hạn, xác nhận đơn xin việc và sơ yếu lý lịch, xác nhận vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn học sinh, sinh viên... dù bị bãi bỏ nhưng nhiều xã, phường, thị trấn vẫn làm.
Ngoài ra, cũng có những TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan liên quan nhưng vẫn yêu cầu chính quyền cấp xã cùng tham gia như để giải quyết cho vay vốn, có ngân hàng yêu cầu UBND xã xác nhận công dân đó có tài sản trên đất hoặc quyền sở hữu nhà ở trên đất, nhằm gắn trách nhiệm với địa phương; hoặc cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất yêu cầu xã xác nhận đất có tranh chấp hay không để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân...
Thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện Quyết định 345 cũng không đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh và cả ngoài tỉnh, bởi có những tỉnh khác vẫn yêu cầu các địa phương trong tỉnh xác thực một trong 10 TTHC mà tỉnh ta đã bãi bỏ.
Về những bất cập trong thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhận định: Bộ phận một cửa ở cấp huyện thu hẹp so với ban đầu là do các quy định mới. Tuy nhiên, không phải chuyển tất cả các TTHC sang các phòng liên quan mà các phòng, ban này phải cử người tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa. Việc này nhằm đưa các TTHC về một đầu mối báo cáo, giúp UBND huyện thuận lợi trong việc kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết TTHC và tránh công dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết TTHC, dễ nảy sinh tiêu cực. Thời gian tới, đề nghị các huyện bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa tất cả các lĩnh vực; sau đó, chuyển về các phòng, ban liên quan để giải quyết. Sở Nội vụ sẽ kiến nghị UBND tỉnh quy định rõ ràng, thống nhất việc này. Về những TTHC nảy sinh ở cấp xã, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh để quy định lại cho phù hợp thực tế, hợp lý và thống nhất trong toàn quốc.