|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đưa lao động sang Hàn Quốc

Thời gian qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định đã tích cực đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép mới (EPS) và Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ.

 

Chương trình EPS

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, Chương trình EPS được thực hiện từ năm 2004 theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc. Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) là đơn vị duy nhất được đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình này; chi phí đi tương đối thấp nên thu hút nhiều người đăng ký tham gia. 

 

Người lao động đi theo Chương trình EPS, ngoài việc phải đáp ứng độ tuổi từ 18 đến 39, đạt yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Chính phủ Hàn Quốc, không phạm tội phải tù giam và không bị cấm xuất cảnh, còn phải trải qua quy trình: Học tiếng Hàn, đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn tại Sở LĐ-TB&XH nơi lao động cư trú. Sau khi đỗ kỳ thi tiếng Hàn, người lao động nộp hồ sơ theo mẫu tại Sở LĐ-TB&XH, Sở sẽ thu hồ sơ và chuyển lên Trung tâm Lao động ngoài nước. Trung tâm Lao động ngoài nước kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, chuyển dữ liệu sang Hàn Quốc để phía chủ sử dụng xem xét, lựa chọn lao động. Lao động được lựa chọn sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo theo số điện thoại mà người lao động ghi trong hồ sơ và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết để xuất cảnh.

Chương trình EPS tuyển chọn lao động ở các nghề: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp; với thời hạn hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm. Chi phí đi 630 USD, ngoài ra, người lao động còn mang thêm 500 USD để đóng cho chủ sử dụng lao động để làm chi phí giải quyết rủi ro nếu có. Mức thu nhập từ 900 USD đến trên 1.000 USD/tháng.

Đầu năm đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định đã đưa gần 100 lao động sang Hàn Quốc làm việc và 40 lao động khác đang chờ làm thủ tục. Hiện Trung tâm đang tổ chức ôn tập tiếng Hàn cho 300 lao động để chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn diễn ra vào giữa tháng 12.2011, tạo nguồn lao động xuất khẩu cho những năm sau.

Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ

Ngoài Chương trình EPS, Chương trình đánh bắt cá gần bờ và nuôi trồng thủy sản chính thức được triển khai từ tháng 8.2011, thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hiện có 7 doanh nghiệp được phép cung ứng tu nghiệp sinh thuyền viên đánh cá cho Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc gồm: Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoang Long Huresu), Công ty TNHH Một thành viên Xuất khẩu lao động-Thương mại và du lịch (Sovilaco), Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), Công ty Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco), Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, Thương mại và du lịch (TTLC), Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt (SAOVIET INCORES CO., LTD), Công ty TNHH Một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực-Haui (LETCO).

7 doanh nghiệp thực hiện chương trình này chỉ tuyển chọn lao động sinh sống tại địa phương có khả năng đi biển và kinh nghiệm đánh bắt thủy hải sản, tuổi từ 20 đến 40, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe. Thời hạn hợp đồng là 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm. Chi phí đi 7.500 USD, trong đó, 4.500 USD chi phí đi, 3.000 USD là tiền đặt cọc để chống trốn. Lương cơ bản năm đầu tiên từ 900 USD đến 1.000 USD, sau mỗi năm sẽ tăng lương; chi phí ăn, ở do chủ sử dụng lao động lo.

Ông Sơn cho biết, Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ chi phí đi cao nhưng dễ đi do không phải trải qua kỳ thi tiếng Hàn như Chương trình EPS. Tuy nhiên, do chương trình này mới triển khai nên người lao động chưa mặn mà. Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tại các xã ven biển để người lao động biết tham gia nhưng số người đăng ký vẫn còn ít. Hiện mới chỉ có 13 lao động được các chủ tàu đánh cá Hàn Quốc chọn và đang chờ làm thủ tục xuất cảnh.


Tin nổi bật Tin nổi bật