A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình SXKD ngành công nghiệp chế biến Dăm gỗ trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, sản phẩm dăm gỗ đã và đang chiếm vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến lâm sản, đến năm 2010 giá trị SXCN đạt 279 tỷ đồng (# 398.700 tấn BDMT- Born Dried Metric Tonne), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 21%/năm; KNXK đạt 36 triệu USD (# 363.300 tấn), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 16%/năm.

Quá trình hình thành và phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án đầu tư nhà máy sản xuất dăm gỗ với tổng công suất đạt trên 1,2 triệu tấn/năm; tổng vốn đầu tư 386 tỷ đồng. Trong đó, 11 nhà máy đã đi vào hoạt động với tổng công suất đạt 885.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 203 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động và 6dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

Trong 10 tháng đầu năm 2011, sản lượng sản xuất đạt 475.300 tấn dăm, giá trị SXCN 333 tỷ đồng, tăng 29,7% so cùng kỳ,chiếm 5,6% giá trị SXCN toàn tỉnh; tổng KNXK đạt 40,4 triệu USD, tăng 22,5% so cùng kỳ, chiếm 11,8% KNXK toàn tỉnh; thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ phát triển nhanh do có nhiều thuận lợi như suất đầu tư thấp (khoảng 300.000 đồng/tấn); kỹ thuật, công nghệ và máy móc thiết bị sản xuất theo dây chuyền tự động, đơn giản, dễ kiểm soát; thời gian hoàn vốn ngắn (trung bình 4 năm), chất lượng nguyên liệu đầu vào không yêu cầu tiêu chuẩn cao (không yêu cầucây thẳng, cây gỗ tốt)... rào cản gia nhập ngànhkhông đáng kể, trong khi nhu cầu các nước nhập khẩu còn lớn nên nhiều DN hiện đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ.

Người trồng rừng ngày càng nhận thức và quan tâm đến lợi ích từ việc trồng rừng mang lại như cải thiện điều kiện cuộc sống cho người dân, bảo vệ và làm sạch môi trường, chống biến đổi khí hậu... Giá thu mua nguyên liệu đầu vào tăng cao, người trồng rừng có lãi nên tranh thủ bán nguyên liệu cho các nhà máy.Nhiều hộ nông dân trong tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng tại hầu hết các địa phương.

Tuy nhiên, trong tương lai gần ngành chế biến dăm gỗ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như việc phát triển các nhà máy dăm gỗ xuất khẩu hiện nay đã vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng trong tỉnh, chỉ đáp ứng gần 35% công suất của các nhà máy đang hoạt động. Dự báo nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên thiếu hụt và khan hiếm, mức độ cạnh tranh nguyên liệu sẽ gia tăng khi các nhà máy mới trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận lần lượt đi vào hoạt động; trong khi mỗi năm diện tích rừng trồng mới chỉ tăng từ 1.000-1.500 ha.

Số lượng DN hoạt động kinh doanh trồng rừng quy mô lớn còn rất hạn chế. Hiện có 7/17 DN tham gia trồng rừng để đáp ứng một phần (15%)nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Diện tích rừng trồng nguyên liệu chủ yếu nhỏ lẻ phân tán,phần lớn do các hộ gia đình trực tiếp trồng và quản lý; chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến.

Bên cạnh đó, các DN chế biến dăm gỗ chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vốn ít, khả năng huy động vốn đầu tư thấp, DN phải sớm giải phóng hàng bán để luân chuyển vốn phục vụ hoạt động nhà máy; thêm vào đó, do thiếu sự đoàn kết, thống nhất giữa các DN cùng ngành hàng nên bị khách hàng ép giá. Đồng thời hạn chế khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị của DN.

Do thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, tình hình cạnh tranh thu mua nguyên liệu giữa các DN diễn ra ngày càng gay gắt, giá thu mua nguyên liệu đầu vàobiến độngtăng liên tục. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào đều tăng cao như điện, xăng dầu, nhân công... lãi suất cho vay tiếp tục ở mức cao cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

Để ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ phát triển ổn định, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch sản xuất dăm gỗ phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu; sắp xếp các nhà máy chế biến dăm gỗ hiện có, không chấp thuận chủ trương đầu tư mới các nhà máy sản xuất dăm gỗ nếu chủ đầu tư chưa đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ đảm bảo công suất chế biến, hạn chế đầu tư các nhà máy chế biến dăm mới theo định hướng của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ phục vụ sản xuất bột giấy và chế biến hàng lâm sản xuất khẩu phù hợp tình hình thực tế; ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với các hộ gia đình để thực hiện đầu tư kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng, đa dạng hóa và nâng cao tỷ trọng các loại sản phẩm gỗ nguyên liệu, tạo nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ nội thất theo đúng định hướng của tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân trồng rừng.

- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến dăm gỗ ở những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển cây nguyên liệu trong tỉnh; trong đó, chú trọng việc cân đối nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến dăm và đồ gỗ nội thất theo đúng định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường liên kết trồng rừng nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên và nam Lào.

- Các DN sản xuất dăm gỗ chủ động ký kết hợp đồng với các DN, hộ gia đình cá nhân cung ứng nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; tăng cường mối liên kết giữa các chủ trồng rừng và DN chế biến trong việc hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật lâm sinh và tiêu thụ sản phẩm. Các DN cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chủ động nguyên liệu hoạt động đảm bảo công suất của nhà máy khi có sự bị động, khan hiếm nguyên liệu xảy ra.

- Phối hợp với Trung tâm Khuyến lâm tiếp tục nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng ổn định, phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương; hỗ trợ người trồng rừng thực hiện các mô hình trình diễn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật lâm sinh, tăng năng suất cây trồng, nhất là trong vùng tập trung diện tích.

- DN chủ động áp dụng mô hình quản lý sản xuất tiên tiến thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, thực hiện 5S, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tiết kiệm năng lượng… để tăng năng suất lao động, tiết giảm các chi phí về nguyên, nhiên, vật liệu, sản phẩm đạt chất lượng ổn định; đồng thời tuân thủ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển sản phẩm từ nhà máy đến nơi tập trung để xuất khẩu theo quy định.

- Tăng cường công tác thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ dăm gỗ như bột giấy, ván dăm, ván MDF, sản xuất sợi visco... nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế.Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm điều phối đơn hàng, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

- Thu hút vốn ODA trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; tiếp tục thu hút vốn FDI trong chuyển giao công nghệ, đầu tư dự án sản xuất ván dăm, ván MDF, sợi nhân tạo... Hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với các hộ gia đình để thực hiện đầu tư kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng, tạo nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ nội thất nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích.

- Tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN cùng ngành hàng để tăng hiệu quả hoạt động và tránh bị khách hàng ép giá./.


Tin nổi bật Tin nổi bật