A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở NN-PTNT: Triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ đánh bắt xa bờ

Thực hiện Quyết định (QĐ) 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục hồ sơ các tàu cá khai thác xa bờ, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiên liệu...

góp phần giúp ngư dân có điều kiện ra khơi và yên tâm bám biển.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, hiện tỉnh có 7.791 tàu cá, với tổng công suất 679.962 CV. Trong đó, có 2.135 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản ở các vùng biển xa nằm trong diện được hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 của Thủ tướng Chính phủ. Các tàu cá khai thác, đánh bắt xa bờ hoạt động bằng các nghề chủ lực như: Câu vàng cá ngừ (419 tàu), câu mực (761 tàu), lưới vây ngày (202 tàu), lưới vây ánh sáng (528 tàu), lưới rê (48 tàu), lưới kéo đơn (45 tàu), lưới kéo đôi (101 tàu), các nghề khác 31 tàu... Thực hiện QĐ 48, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đăng ký danh sách tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên vùng biển xa bờ với số lượng 1.976 tàu cá; thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu để hỗ trợ nhiên liệu theo quy định là 250 tàu cá. UBND tỉnh Bình Định đã ra QĐ hỗ trợ cho 62 tàu cá với tổng số tiền trên 2,7 tỉ đồng, gồm TP Quy Nhơn 17 tàu, huyện Phù Mỹ 8 tàu, huyện Hoài Nhơn 37 tàu. UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiên liệu cho khoảng 1.000 tàu cá khai thác khơi xa nếu đảm bảo các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Theo đánh giá chung của Tổng cục Thủy sản, Bình Định là tỉnh triển khai thực hiện QĐ 48 của Thủ tướng Chính phủ khá tích cực và mang lại hiệu quả cao trong số các tỉnh ven biển miền Trung. "Để việc triển khai công tác hỗ trợ được thuận lợi, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trực tiếp cho các chủ tàu cá, ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ về QĐ 48 và Thông tư liên tịch số 11/2011 hướng dẫn thực hiện QĐ 48”, ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Quản lý khai thác và thông tin thủy sản thuộc Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định chia sẻ. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã cấp phát cho ngư dân hàng trăm bản đồ về các vùng biển Việt Nam, các ngư trường đánh bắt sẽ được hỗ trợ nhiên liệu. Nhờ vậy, tất cả các địa phương, chủ tàu cá và ngư dân trong tỉnh đã nắm được các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân; chính quyền các địa phương cũng đã hướng dẫn đầy đủ các biểu mẫu ghi chép theo quy định để giúp chủ tàu cá, ngư dân thực hiện thuận lợi. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Đồng thời, sẽ tiến hành xây dựng những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh để phục vụ trực tiếp cho đội tàu đánh bắt xa bờ.

Anh Trương Hữu Thọ (57 tuổi), một trong nhiều ngư dân giàu kinh nghiệm ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định cho biết: "Nhờ Cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã hỗ trợ cho ngư dân và tỉnh nhà lắp đặt hoàn thành trạm bờ hệ thống máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS phục vụ tàu cá đánh bắt xa bờ, góp phần hỗ trợ đắc lực cho những tàu cá thường xuyên hoạt động đánh bắt ở các vùng biển xa như ngư dân chúng tôi tránh được thiên tai và kịp thời liên lạc đoàn kết với nhau chống đỡ tàu lạ xâm phạm quấy phá...”. Tàu cá đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị định vị vệ tinh, bảo đảm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố rủi ro cần hỗ trợ, và các hoạt động khác trên biển với trạm bờ ở cự ly lớn hơn 500 hải lý. Ðây được coi là một trong những tiến bộ mới trong lĩnh vực hậu cần phục vụ tàu cá, bảo đảm khai thác hải sản có hiệu quả và hạn chế được những rủi ro trên biển cho tàu cá.
 
Chia sẻ cùng niềm vui của bà con ngư dân an tâm bám biển, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tiến hành tiếp nhận hỗ trợ 280 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) cho 280 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, đánh bắt xa bờ. Đây là dự án được thực hiện bằng vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ cho ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, với tổng trị giá 13,9 triệu Euro, thời gian thực hiện trong 3 năm (2011-2013). Việc trang bị công nghệ kết nối vệ tinh Movimar nhằm giúp ngành chức năng nắm bắt thông tin chính xác hoạt động của tàu cá trên biển; hỗ trợ ngư dân khai thác biển đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thiết bị Movimar còn giúp ngư dân tiếp nhận dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác để tìm nơi trú ẩn an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới; hỗ trợ cho các thuyền trưởng định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nguồn nhiên liệu...


Tin nổi bật Tin nổi bật