Đổi thay ở xã Bình Thuận hôm nay
Kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của ông cha, 49 năm qua, các thế hệ cán bộ và nhân dân xã Bình Thuận luôn cố gắng không ngừng, xây dựng xã nhà ngày một phồn vinh.
Vốn là cái nôi cách mạng, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) có 1.078 người tham gia kháng chiến, có 4.200 lượt người đi dân công hỏa tuyến; quân và dân Bình Thuận đã tổ chức hơn 500 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 850 tên địch, bắn rơi, bắn cháy 22 máy bay, xe tăng, xe quân sự, đánh sập trụ sở ngụy quyền 3 lần, đánh phá 6 chốt điểm quân sự, làm rã ngũ 356 tên địch; tiêu biểu nhất, là trận đánh Thuận Hạnh (1966). Toàn xã có 230 liệt sỹ, 45 thương bệnh binh, 30 mẹ Việt Nam anh hùng, xã Bình Thuận được chủ tịch nước tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Về Bình Thuận hôm nay có thể dễ dàng bắt gặp những con đường bê tông và thảm nhựa thẳng tắp. Hai bên đường, những ruộng đậu phụng xanh mướt, vươn mình. Bức tranh làng quê đổi mới hiện lên với những ngôi nhà, các điểm trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư lắp đặt ở khắp các đường liên thôn, liên xã,…
Đồng chí Thân Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Bình Thuận: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao xây dựng quê hương đổi mới, nhất là từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, sự quyết tâm của bà con được thể hiện khá rõ nét. Xã cũng được quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thủy lợi; đáp ứng vấn đề nước tưới đối với một xã có địa bàn rộng và thiếu nước kéo dài.
Vì thiếu nước tưới, đất đai cằn cỗi, trước đây người dân địa phương chỉ sản xuất 1 vụ lúa/ năm, cây trồng cạn vốn chỉ có cây mì, không đủ ăn. Từ khi có nước từ kênh tưới Văn Phong, Thuận Ninh, nhiều người dân địa phương đã chuyển nhiều diện tích đất sang sản xuất cây đậu phụng và các loại cây trồng cạn khác, cho thu nhập cao hơn gấp 4 lần so với cây lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Ông Hồ Văn Thu, thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận: Gia đình sản xuất khoảng 15 sào đậu phụng/vụ; năng suất từ 2 tạ - 2,5 tạ/ sào, thu nhập từ 60 triệu đồng - 90 triệu đồng/ vụ. “Vào mùa thu hoạch đậu, nhiều người dân ở các xã lân cận và địa phương khác đến làm công, nhộn nhịp khắp các cánh đồng Bình Thuận”. Bà Bùi Thị Xuân Thu: Sau giải phóng, nhắc đến Bình Thuận mọi người hay nhắc đến một xã nghèo, đường sá toàn cát trắng. Vậy mà nay Bình Thuận lại bật lên không ngừng, hệ thống đường bê tông, đường nhựa giăng giăng, thẳng tắp, ở xã cũng có đường Tây tỉnh chạy ngang; giao thương thuận lợi, vận chuyển nông sản cũng dễ dàng, người dân địa phương cứ đà mà khá lên.
Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 58 triệu đồng/năm, tăng 38,9 triệu đồng/ năm so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,93%; Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.