A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình “Cùng nhà nông ra đồng” ở Ân Thạnh: Hiệu quả thiết thực

Mô hình “Cùng nhà nông ra đồng” được triển khai trên 3 cánh đồng Xe Bông, Xe Thu và Cải Tạo ở thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) qua 3 vụ sản xuất, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nông dân Ân Thạnh thu hoạch lúa vụ Thu trên cánh đồng Cải Tạo.


Được sự tài trợ của Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, vụ Thu 2012 huyện Hoài Ân đã triển khai mô hình “Cùng nhà nông ra đồng” tại cánh đồng Xe Bông với diện tích 23 ha/185 hộ dân tham gia. Trong vụ Đông Xuân và vụ Thu 2013, mô hình tiếp tục được triển khai ở cánh đồng Xe Thu và Cải Tạo với diện tích 19 ha/vụ/137 hộ dân tham gia.

Vụ Thu 2013, năng suất lúa của nông dân thôn Thế Thạnh 2 đạt khá cao, giống lúa thuần OM 6976 đạt 66,4 tạ/ha. Tuy nhiên, cũng với giống lúa này, năng suất trong mô hình còn cao hơn, đạt 71,3 tạ/ha, chi phí sản xuất thấp hơn 30%, lãi 18 triệu đồng/ha (cao hơn ruộng ngoài mô hình 4,8 triệu đồng/ha). Bà Nguyễn Thị Bá, nông dân tham gia mô hình, phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và các doanh nghiệp, mô hình “Cùng nhà nông ra đồng” đã giúp bà con chúng tôi rất nhiều. Hai vụ vừa qua, tôi làm theo mô hình này, vừa tăng năng suất lúa vừa giảm được chi phí sản xuất”.

Để có được kết quả đó, Công ty cổ phần BVTV An Giang đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, từ khâu làm đất đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Ông Nguyễn Công Hậu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Người dân tham gia mô hình đã được tiếp cận với phương thức sản xuất mới, biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất để đạt hiệu quả cao. Từ thành công của mô hình, bà con rút ra những kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng trên nhiều cánh đồng khác của huyện. Mô hình này còn giúp người dân hình thành tập quán sản xuất theo tập thể, gắn kết cộng đồng, hình thành những nhóm nông dân sản xuất giỏi hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản xuất”.

“Trên cơ sở thành công của mô hình, để giúp nông dân trở thành những “chuyên gia” trên đồng ruộng, chúng tôi mong ngành chức năng và các doanh nghiệp tiếp tục tạo điều kiện nhân rộng mô hình ở xã Ân Thạnh và huyện Hoài Ân, nhằm nâng cao hiệu quả, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, chia sẻ.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật