A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình mới triển vọng - Nuôi thương phẩm cá chạch đồng

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư kinh phí, phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình nuôi thương phẩm các chạch đồng trong ao tại hộ anh Trần Quốc Hiệp ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.

Anh Trần Đình Hiệp thu hoạch cá chạch đồng

Quy mô 20.000 con với 500m2 mặt nước, bình quân mật độ 40 con/m2. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% giống cá và thức ăn công nghiệp tương đương gần 26 triệu đồng, còn lại gia đình anh Trần Đình Hiệp đầu tư. 

Nhờ sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, kịp thời chấn chỉnh những vấn đề phát sinh trong  quá trình nuôi, nên việc nuôi cá theo mô hình khá thuận lợi. Hộ gia đình anh Hiệp áp dụng theo quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ban hành, có sổ theo dõi, cập nhật thông tin cụ thể hàng ngày, các chi tiết về sinh trưởng, chi phí thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và các yếu tố phát sinh khác, các cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình định kỳ, thu thập số liệu phân tích đưa ra giải pháp kỹ thuật áp dụng cụ thể cho hộ thực hiện. Qua 5 tháng triển khai mô hình đã đem đến kết quả rất khả quan. Cá chạch đồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống 84%, năng suất bình quân đạt 1kg/m2, bình quân 30 con/1kg với giá bán cá chạch đồng thịt 100.000 đồng/1kg tại thời điểm thu hoạch, trừ chi phí mô hình cho lợi nhận gần 40 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hiệp hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết: Sau 5 tháng thả con giống đến nay, cá trong mô hình phát triển tương đối đồng đều, ít hao hụt. Mặc dù chưa thu hoạch toàn bộ, nhưng trước mắt trọng lượng đạt  30 con/kg đủ tiêu chuẩn để tỉa bán và thu hoạch. Lợi nhuận khoản 30% so với chi phí đầu tư.

Đánh giá về mô hình cá chạch đồng thương phẩm tại xã Tây Giang. Ông Lý Kim Phụng cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, lợi nhuận của Mô hình cá chạch đồng thương phẩm ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang đều đạt so với yêu cầu đề ra. Qua đó tạo thêm công ăn việc làm, nhất là lao động phụ trong gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân. Là cơ sở để phát triển thêm một đối tượng nuôi có giá trị thương phẩm cao, đa dạng hóa sản xuất. Đồng thời, bước đầu đã tạo thương hiệu cho loại cá đặc sản của huyện Tây Sơn. Đây cũng là hướng chăn nuôi mới cần được nhân rộng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương. Mô hình có khả năng nhân rộng ở xã Tây Giang nói riêng và địa bàn hyện Tây Sơn nói chung./.

Theo tayson.binhdinh.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật