Mùa măng rừng ở vùng cao An Lão
Hơn nữa tháng qua, khi những cơn mưa ùa về trên các cánh rừng cũng là lúc cây tre bắt đầu trở mình, bung những chồi măng non. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch, hầu như gia đình nào ở huyện vùng cao An Lão cũng có người vào rừng bẻ măng, kiếm thêm thu nhập. Dân làng ví mùa này là mùa đi hái “lộc rừng”.
Một tuần qua, khi mặt trời chưa vén màn mây khỏi rừng xanh mịt mùng, chị Đinh Thị Pin, ở thôn 4, xã An Hưng và một số bà con trong làng tạm gác lại công việc đồng áng, tất bật chuẩn bị cơm, nước, khăn gói lên đường vào rừng sâu để hái măng về bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Chị Pin chia sẻ: Cây măng tre mọc ở trên rừng, cứ đến mùa là tôi và bà con trong làng đi hái rồi mang về bán cho thương lái. Măng tre nơi đây mọc tự nhiên, có vị ngọt và giòn khác biệt so với các loại măng của những vùng khác, nên đã trở thành “đặc sản” của huyện miền núi này. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày cũng thu được 200 - 250 nghìn đồng. Nhờ có những mùa măng như thế này mà gia đình tôi có thêm thu nhập, mua sắm sách vở cho con cái đến trường học chữ.
Cùng tham gia hái măng tre từ những ngày đầu mùa với nhóm chị Pin, chị Đinh Thị Quy, ở thôn 4, xã An Hưng có thêm được nguồn thu nhập trong lúc mùa rẫy chưa bắt đầu. “Hằng ngày, vợ chồng tôi phải dậy từ sáng sớm, mang theo cơm vào rừng tìm măng đến chiều mới xuống núi. Công việc bẻ măng cũng khá vất vả vì măng thường mọc sâu trong rừng, trên núi cao. Nhưng được cái cây măng tre mọc tự nhiên nên ai giỏi, chịu khó thì hái được nhiều, bán được nhiều tiền”, chị Quy bày tỏ.
Có người nghĩ rằng măng mọc sẵn trên đất, cứ việc bẻ lấy mang về. Nhưng thực tế công việc hái măng không hề đơn giản, có khi đi cả ngày mới được một gùi măng mang về. Khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân đau rát, bầm tím. Muốn tìm được nhiều măng phải đi nhiều vạt rừng, khu rẫy, có ngày đi rừng xa còn bị lạc đường, về đến nhà trời đã tối mịt.
Đường đi rừng đã khó, tìm và hái được những búp măng non và ngon còn khó hơn nhiều. Để kiếm được nhiều măng, người hái cần có con mắt tinh, phát hiện ra măng ở các bụi tre già cao to, cây cối rậm rạp; có đôi chân, đôi tay chắc khỏe để leo bám rừng. Đặc biệt cần có kỹ năng hái và bóc măng, vì bóc được măng đẹp bán mới được giá.
Với nhiều người dân nơi đây, mỗi mùa mưa về thì bữa cơm ấm cúng của gia đình đều có món ăn chế biến từ măng. Măng chính là loại rau sạch và có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Thông dụng nhất, giữ được nguyên hương vị đặc trưng của măng rừng nhất trước hết phải kể đến món măng luộc chấm mắm nêm, nước mắm. Ngoài măng luộc, để đổi khẩu vị, từ măng có thể làm món măng xào, măng trộn, măng hầm vịt, gà, thịt heo… đều mang lại vị ngon, ngọt hấp dẫn. Không chỉ chế biến được các món ăn từ măng tươi trong mấy tháng mùa mưa, nhiều nhà còn tranh thủ làm món măng chua, măng khô... để dành ăn quanh năm.
Mặc dù mưu sinh từ nghề hái măng rừng lắm gian truân, nhọc nhằn nhưng người dân An Lão không bao giờ bỏ nghề, luôn xem đây là “lộc rừng”, cứ đến mùa họ vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng. Muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, những người hái măng phải để lại ít nhiều cây non để măng mọc thành rừng. Có ngọn măng để bán, có nghĩa là thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình.