A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện đầy đủ thực trạng từng hộ nghèo, thống nhất cách nghĩ, cách làm, có giải pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững, đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, trên cơ sở Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025, UBND huyện An Lão vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025; mục đích của kế hoạch nhằm xác định, nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành viên của hộ để thống nhất cách hiểu, cách làm và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, khả thi nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, An Lão đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với giảm nghèo bền vững với phương châm "Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ", tập trung nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo giải quyết các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và nguyên nhân phát sinh nghèo... Nhờ đó, nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân An Lão, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi mới.

H
Hội nghị triển khai kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025


Giai đoạn 2021-2025, An Lão là huyện nghèo duy nhất của tỉnh và đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình hỗ trợ cho huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo. Trong những năm qua các cấp, các ngành triển khai thực hiện đầy đủ, bám sát các văn bản của Trung ương, của tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy; UBND huyện, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Đề án thoát nghèo và Kế hoạch thực hiện các mục tiêu đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2025.
Có thể khẳng định, qua 3 năm thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cùng với các Chương trình MTQG huyện đã và đang thụ hưởng đã tác động tích cực đến hộ nghèo, người nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư hoàn thiện, kết nối; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ năm 2021-2023,  nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện An Lão được Trung ương, tỉnh phân bổ gần 200 tỷ đồng, huyện đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên xã, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hơn 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với gần 500 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia và 2 dự án liên kết chuỗi cho gần 70 hộ tham gia; tổ chức đào tạo nghề cho 1.400 lao động, giải quyết việc làm mới cho gần 1.500 lao động, đưa 63 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ cho 686 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.


        Công trình mở rộng đường giao thông thuộc nguồn vốn CT MTQG giảm nghèo bền vững

Dự án liên kết chuỗi trồng cây đương quy tại xã An Toàn với 25 hộ tham gia


Nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các dự án từ khác, hạ tầng nông thôn của huyện ngày càng được hoàn thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu và đặc thù sản xuất của từng địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thay đổi tập quán, thói quen sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, cho thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Cụ thể, từ năm 2021-2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân hàng năm là 10,58% với 2.722 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 55,33%; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 11,86%, còn 43,47%; năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 13,72% so với năm 2022, còn 29,75%.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện An Lão giảm còn dưới 6% và đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo
Kết quả thực hiện khả quan trên đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo đó là: Trước tiên, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giảm nghèo phải giữ vị trí trọng tâm, mang tính dẫn dắt, quy tụ các nguồn lực để hỗ trợ cho việc thực hiện công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo. Phải nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành viên của hộ, để thống nhất cách hiểu, cách làm và có giải pháp hỗ trợ khả thi, phù hợp với từng hộ, thành viên hộ theo từng nhóm nguyên nhân và chú trọng giải quyết các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Cơ chế chính sách giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ, phân cấp mạnh cho cơ sở và người dân được tham gia bàn bạc, quyết định các nội dung thực hiện; trên cơ sở đó đại diện cộng đồng, người dân được tham gia và giám sát trong quá trình thực hiện; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo để đưa các chính sách đi vào đời sống người dân, để Nhân dân hiểu rõ và tích cực hưởng ứng, tham gia.
Trong công tác quản lý nguồn lực, phải thực hiện quản lý phân bổ nguồn lực đúng quy định, sử dụng vốn đúng mục tiêu, hiệu quả; áp dụng các cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; huy động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vào thực hiện các dự án của Chương trình, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ có đánh giá sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ kết quả đạt được, mục tiêu đặt ra trong 2 năm 2024-2025, huyện An Lão phấn đấu có 1.928 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, cụ thể: Năm 2024 Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 17,23% giảm 12,52% so với năm 2023, với 1.203 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (với 1.126 hộ thoát nghèo77 hộ thoát cận nghèo); hộ nghèo còn 957 hộ chiếm tỷ lệ 9,97%, hộ cận nghèo còn 697 hộ chiếm tỷ lệ 7,26%.  Năm 2025: Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 9,68% giảm 7,55% so với năm 2024, với 725 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (với 425 hộ thoát nghèo 425 hộ thoát cận nghèo); hộ nghèo còn 532 hộ chiếm tỷ lệ 5,54%, hộ cận nghèo còn 397 hộ chiếm tỷ lệ 4,14%. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020. Huyện An Lão là thoát khỏi tình trạng nghèo, có 5 xã, thị trấn thoát khỏi đặc biệt khó khăn.
Để đạt được kế hoạch giảm nghèo, giai đoạn 2024-2025 huyện An Lão tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, để nâng cao nhận thức Nhân dân về công tác giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích, khen thưởng biểu dương những hộ tự viết đơn thoát nghèo...; vận động hộ nghèo tích cực tham gia các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp vốn để thực hiện các dự án hỗ trợ, cam kết thoát nghèo.
Hai là,  tranh thủ các nguồn lực tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, liên kết chuỗi nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn…
Ba là, triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo; từng địa phương phải nắm chắc, nhận diện đầy đủ về thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng thành viên của hộ, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, khả thi với từng hộ nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất để giải quyết tình trạng thiếu đất cho 374 hộ tại xã AnVinh; đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghề cho hơn 3 ngàn lao động thiếu kiến thức thiếu kỹ năng để hỗ trợ tư vấn, kết nối việc làm; hỗ trợ vay vốn để giải quyết tình trạng không có công cụ, phương tiện, không có vốn sản xuất cho hộ có nhu cầu; tập trung hỗ trợ cho những hộ nghèo có người ốm đau, bệnh tật; đồng thời hỗ trợ đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo bảo trợ xã hội.
Bốn là, thực hiện quản lý phân bổ nguồn lực kịp thời, đúng quy định, sử dụng vốn đúng mục tiêu, hiệu quả; áp dụng các cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế; huy động các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vào các dự án phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, phong tục tập quán của từng địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch ở các cấp, các ngành.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo. Làm tốt công tác theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án, báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc để có hướng khắc phục và biện pháp triển khai thực hiện để các Dự án phát huy hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, nâng cao thu nhập cho các đối tượng thụ hưởng.


Tác giả: TH
Nguồn:anlao.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật