Nhơn An chuyển đổi sản xuất, phát triển làng nghề
Chuyển đổi sản xuất hiệu quả
Nhơn An là xã thuần nông, đã bao đời nay, người dân trong xã quen với tập quán sản xuất 3 vụ lúa/năm, tuy vất vả quanh năm nhưng cuộc sống vẫn khó khăn do năng suất lúa bấp bênh bởi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại khi thiên tai, bão lũ. Nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đến nay, công việc đồng áng của bà con đã bớt vất vả hơn, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn so với trước, vừa chủ động phòng tránh những diễn biến bất lợi của thiên tai, mưa lũ.
Ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: Năm 2006 là năm đầu tiên Nhơn An chuyển đổi sản xuất 3 vụ sang 2 vụ/năm. Nhờ làm tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật sản xuất nên cây lúa phát triển khá tốt, năng suất lúa bình quân đạt xấp xỉ 70 tạ/ha/vụ, tính chung cả năm đạt 14 tấn/ha. Nếu so với sản xuất 3 vụ trên cùng chân đất và điều kiện thâm canh giống nhau, mức lãi ròng của sản xuất 2 vụ cao hơn nhiều, vì sản lượng đạt tương đương nhưng giảm được chi phí sản xuất và công lao động của một vụ. Đến nay, 100% diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm ở địa phương đã được chuyển sang sản xuất 2 vụ/năm. Riêng năm 2011, toàn xã sản xuất 1.030 ha lúa 2 vụ, năng suất bình quân gần 69 tạ/ha/vụ.
Phát triển làng nghề trồng mai
Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, UBND xã Nhơn An còn chú trọng phát triển các làng nghề trồng mai kiểng tại địa phương, xem đây là hướng làm giàu của người dân trong xã. Hiện toàn xã có trên 1.500 hộ trồng mai thương phẩm, chiếm 70% tổng số hộ của xã, hàng năm doanh thu từ bán mai kiểng khoảng 8-9 tỉ đồng, chiếm 10% tổng giá trị sản xuất của địa phương.
Để hỗ trợ người dân phát triển làng nghề, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận 5 làng nghề trồng mai kiểng trên địa bàn xã Nhơn An gồm: Háo Đức, Thuận Thái, Trung Định, Thanh Liêm, Tân Dương. Theo thống kê, thu nhập hàng năm từ trồng mai kiểng của mỗi hộ gia đình ở xã Nhơn An đạt từ 30-300 triệu đồng. Xã Nhơn An đang tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp và các ngành chức năng tiến hành quy hoạch lại các vùng trồng mai tập trung, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng mai sạch vào sản xuất nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, người dân Nhơn An có thêm thời gian rảnh rỗi phát triển chăn nuôi hoặc kiếm thêm việc làm tại các cụm công nghiệp trên địa bàn để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Xã Nhơn An cũng chú trọng khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ, thương mại và làng nghề, nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trên địa bàn xã đã hình thành Cụm công nghiệp Thanh Liêm, thu hút 8 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương.
Xây dựng nông thôn mới
Ông Bùi Văn Cư cho biết thêm: Hiện xã Nhơn An cùng với xã Nhơn Phúc được UBND huyện An Nhơn chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện đến năm 2015. Để có cơ sở xây dựng xã NTM, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh tiến hành khảo sát, rà soát lập Đề án xây dựng NTM, xác định mục tiêu, kế hoạch, giải pháp đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Qua rà soát các tiêu chí theo quy định của Chính phủ, Nhơn An có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn xã NTM, gồm tiêu chí về nhà ở, dân cư; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; hệ thống tổ chức chính trị; an ninh - trật tự xã hội ổn định.
Theo Đề án xây dựng NTM của xã Nhơn An, từ nay đến năm 2015, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất của địa phương là trên 195 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và địa phương chiếm 40%, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 25%, vốn tín dụng chiếm 30% và các nguồn vốn khác. Hiện UBND xã Nhơn An đang gấp rút hoàn thành đề án xây dựng NTM để có cơ sở thực hiện trong thời gian sớm nhất.