A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kết quả đạt được từ thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện An Lão

An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, dân số gần 25 nghìn người, gồm nhiều dân tộc sinh sống, nhưng chủ yếu là Kinh, Hre và Ba na. Trong những năm qua, các Chính sách về dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã mang lại những kết quả nhất định.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đã góp phần cải thiện đời sống người dân, công tác xóa đói, giảm nghèo đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Từ năm 2009 đến năm 2011, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ TW đến địa phương, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, toàn huyện đã giao khoán quản lý, bảo vệ 20.986 ha  rừng cho 2.151 hộ, với kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, đã góp phần giảm tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, tăng độ che phủ rừng lên 71,0%; hỗ trợ 10,8 tỷ đồng cho nhân dân phát triển sản xuất, thông qua việc khai hoang 4,57 ha đất và quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp cho 10/10 xã/TT; 3,74 tỷ đồng mua giống cây trồng và vật nuôi cho nhân dân; hơn 100 triệu đồng mua 84.840 liều vacxin tiêm cho đàn gia súc và 57 bình bơm thuốc sát trùng; đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho 208 người (đã xuất cảnh 128 lao động) theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 595 triệu đồng cho công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí; 182,4 triệu đồng cho công tác cán bộ,đặc biệt là cán bộ cơ sở. Đầu tư 94,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, như: 61,45 tỷ xây dựng 13 công trình giao thông; 11,1 tỷ đồng cho 9 công trình thủy lợi và 7,8 tỷ đồng cho 7 công trình giáo dục; xây dựng 6 công trình dân dụng, với 13,2 tỷ đồng; xây dựng cơ sở vật chất chuẩn hóa ngành y tế 37,6 triệu đồng; cho 9.757 lượt hộ vay vốn ưu đãi, với 117,98 tỷ đồng; 20,89 tỷ đồng xây dựng 668 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài những nguồn vốn từ Trung ương, huyện An Lão còn tập trung tối đa sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ. Đặc biệt, năm 2010 và 2011 đã vận động được 553 triệu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 20 hộ gia đình chính sách,...

Song song với việc thực hiên Nghị quyết 30a, huyện còn thực hiện các chương trình lồng ghép để hỗ trợ phát triển sản xuất và chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc. Chương trình 135 giai đoạn II đã hỗ trợ 21,36 tỷ đồng để phát triển kinh tế, trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 15,58 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất 3,56 tỷ đồng, hỗ trợ hoạt động văn hóa thông tin và trợ giúp pháp lý 45,5 triệu đồng, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ với số tiền 535 triệu đồng, hỗ trợ cho 1.328 học sinh nghèo có điều kiện học tập với số tiền 1,61 tỷ đồng,... Thực hiện Chính sách định canh định cư theo Quyết định 33/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ 7,1 tỷ đồng để giải quyết đất ở và sản xuất cho 119 hộ đồng bào dân tộc. Chương trình kiên cố hóa trường học đã đầu tư 15,25 tỷ đồng để xây dựng 13 trường học và nhà công vụ cho giáo viên. Chương trình 134 đã hỗ trợ 4,9 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 8 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Thực hiện quyết định số 139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mua BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã cấp 38.709 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, KT-XH của huyện được nâng lên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện qua những kết quả sau:

Một là, huyện đã xây dựng được cơ sở hạ tầng rộng khắp ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là điều kiện vật chất cần thiết để thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng và các dân tộc. Cácxã có địa hình đi lại khó khăn, như: An Vinh, An Dũng, An Nghĩa, An Toàn đã có đường ô tô đến trung tâm xã và phần lớn các thôn, bản. Đa số xã vùng cao đã có lớp mẫu giáo, 100% xã có trường tiểu học, hơn 50% xã có trường THCS và toàn huyện đã có 2 trường THPT, các xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, số lượng học sinh người dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và các trường chuyên nghiệp ngày càng tăng. 100% xã, thị trấn đã có trạm y tế, trang thiết bị được đầu tư cơ bản, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Điện lưới quốc gia đã đến được 100% xã và 95% số thôn. Ngoài điện lưới quốc gia, trên địa bàn huyện còn sử dụng các nguồn điện khác, như: thủy điện Sông Vố, riêng thôn 6 xã An Vinh chưa có điện lưới quốc gia, hiện đang sử dụng điện Diezen. Hầu hết các xã vùng cao đều có Bưu điện văn hoá xã, 100% số xã ở vùng dân tộc thiểu số đã có máy điện thoại. Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương và địa phương đã phát chương trình tiếng dân tộc thiểu số, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách, Nghị quyết, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào, phản ánh những thành tựu về kinh tế - xã hội, tâm tư tình cảm và nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc đến với các cơ quan, cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Hai là, bộ mặt kinh tế của các xã đặc biệt khó khăn thay đổi rõ nét,cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp miền núi đã có bước phát triển, thay đổi cơ bản phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống, từng bước chuyển từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Giá trị sản xuất nông nghiệp (giá cố định 1994) từ 33,10 tỷ đồng năm 2000 lên 68,03 tỷ đồng năm 2010, năng suất lúa từ 31,2 tạ/ha năm 2000 lên 52,0 tạ/ha năm 2010, sản lượng lương thực có hạt ở miền núi tăng liên tục qua các năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 1,24 tỷ đồng năm 2000 lên 6,64 tỷ đồng năm 2010.

Ba là, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Đội ngũ cán bộ trí thức người dân tộc thiểu số đã được hình thành và phát triển, số lượng đảng viên là người dân tộc ngày càng tăng.

Có được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng từ tỉnh, huyện đến xã/TT và sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, hiện nay An Lão vẫn là huyện khó khăn về mọi mặt, nhất là vùng dân tộc thiểu số; do vậy, các ngành, các cấp cần làm tốt hơn nữa các Chính sách dân tộc; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, các thế lực thù địch luôn sẵn sàng lợi dụng vấn đề dân tộc để “diễn biến hòa bình - bạo loạn lật đổ” chống phá cách mạng Việt Nam. Các cấp, các ngành của huyện quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc cho CBCC và nhân dân, xem vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện./.


Tin nổi bật Tin nổi bật