Những mô hình giúp nông dân 'hái ra tiền' ở Bình Định
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng đi vào chiều sâu với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị canh tác, tạo điểm tựa gia tăng giá trị nông sản, làm giàu cho nông dân.
Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) tồn tại hàng trăm năm nay được ví như biểu tượng văn hóa thuần nông của đất võ Tây Sơn. Khối Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân thì có 224 hộ dân tham gia làng rau, với tổng diện tích 36 ha.
Tạo cú hích làm giàu
Là một làng rau truyền thống, song phương thức sản xuất ở Thuận Nghĩa lại rất tân tiến. Các hộ sản xuất với sự dẫn dắt của HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đang ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đến nay, làng rau đã có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành.
Giám đốc Quách Văn Cầu cho biết, HTX hiện có 6 nhóm sản xuất, được hỗ trợ để ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định, duy trì đà tăng trưởng 15 - 30%/năm về doanh thu. Theo đó, đời sống của thành viên, người lao động ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/ha/năm.
Sản xuất theo hướng hàng hóa đang giúp nông dân Bình Định nâng cao giá trị gia tăng, giảm nghèo, làm giàu.
Cũng gặt hái thành công nhờ sản xuất sạch, HTX nông nghiệp Tây Bình, xã Tây Bình (huyện Tây Sơn) đang là đầu tàu dẫn dắt hàng chục hộ thành viên và nông dân liên kết phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nhờ sản xuất khoa học gắn với bảo vệ môi trường đang giúp các cánh đồng lớn của HTX đạt năng suất bình quân 6,8 - 7,4 tấn/ha, thâm canh có thể đạt trên 7,5 tấn/ha. Các giống lúa có khả năng thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng chịu ngập và chịu phèn mặn khá tốt.
Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng lúa, bà Lê Thị Hoa, khối Thuận Nghĩa cho biết, trước đây, khi chưa vào HTX, sản xuất nhỏ lẻ khiến năng suất lúa không cao, thương lái thường xuyên ép giá, thu nhập bấp bênh nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.
“Năm 2019, tôi được tạo điều kiện tham gia vào HTX, được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo quy trình hữu cơ, giúp năng suất, chất lượng lúa được nâng lên đáng kể, đạt 5 - 7 tấn/ha/vụ. Hơn nữa, được HTX hỗ trợ bao tiêu nên giá bán cũng ổn định, thu nhập khá hơn”, bà Hoa phấn khởi nói.
Sức bật từ liên kết sản xuất
Quá trình hiện đại hóa cũng ngày càng lan rộng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Ân, đặc biệt trong đó là sự hiện diện của các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho thành viên, nông dân liên kết.
Điển hình, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La'sfarm Ân Phong, xã Ân Phong là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau quả trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX La'sfarm Ân Phong cho biết, HTX đang ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất như trồng rau trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh…
Hiện tại, dưa lưới đang là cây trồng chủ lực của HTX, bởi phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại địa phương. Trời càng nắng thì dưa càng có chất lượng cao.
Với diện tích 4.000m2, HTX áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong túi nilon chuyên dụng có 2 lớp trắng và đen. Lớp màu trắng bên ngoài có tác dụng không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời giúp rễ cây không bị nóng, héo, mất nước... Lớp màu đen bên trong có tác dụng bảo vệ rễ, chống sâu bệnh.
Việc sử dụng túi nilon chuyên dụng giúp ngăn chặn rêu, tảo và một số loại cỏ dại phát triển, từ đó giúp cây tận dụng tối đa lượng dinh dưỡng có trong túi bầu.
Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước và phân bón đều được chuyển sang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Công nghệ này giúp quản lý được nguồn dinh dưỡng, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Theo Giám đốc HTX Trần Bảo Diệp, nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội, đã có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Trung bình một năm, HTX trồng được 4 vụ, tổng thời gian nghỉ giữa các vụ khoảng 2 tháng. Chu kỳ sinh trưởng của dưa lưới từ 65 - 75 ngày tùy giống, ví như giống TL3 chỉ có 65 ngày, dưa Huỳnh long 70 ngày còn dưa mật 75 ngày.
“Đầu tư chi phí sản xuất một vụ từ giống, phân bón, thuốc, nhân công, giá thể, điện nước… khoảng 60 triệu đồng/1.000m2, năng suất có thể thu khoảng 5 tấn dưa. Giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg dưa Huỳnh long, vị chi mỗi vụ thu vào được 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 140 triệu đồng. Mỗi năm làm được 4 vụ, tiền lãi ròng của 4 vụ là 560 triệu đồng”, ông Trần Bảo Diệp tính toán.
Hiện, không chỉ trồng dưa lưới, HTX La’sfarm Ân Phong còn đang mở rộng sang sản xuất các loại rau quả an toàn như dưa hấu, dưa lê Hàn Quốc, cà chua sô cô la, dưa leo baby…
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Có thể nói, những bước chuyển về tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ lạc hậu sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các liên kết chuỗi đang giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định cải thiện thu nhập, mang lại những sắc màu mới tươi sáng hơn cho bức tranh nông nghiệp toàn tỉnh.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay: “Ứng dụng công nghệ cao là điều tất yếu khi muốn nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”, đồng thời cho biết trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… là các lĩnh vực được nhiều cá nhân, tổ chức tập trung đẩy mạnh phát triển.
Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân và DN chủ yếu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và trồng trọt hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 281 ha cây trồng đã được chứng nhận VietGAP. Trong đó, có gần 122 ha rau, gần 130 ha cây ăn quả (chuối, bưởi, xoài, cam, mãng cầu), gần 15 ha lúa nếp (nếp ngự, nếp bàu Chánh Trạch).
Phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng đang được tập trung vào 3 vật nuôi chủ lực: Bò, heo và gà.
Đến nay, toàn tỉnh có 49 trang trại hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín (34 trang trại heo, 14 trang trại gà, 1 trang trại bò sữa). Đồng thời, có 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Với những nền tảng đang có, thời gian tới, bên cạnh quy hoạch lại không gian, tổ chức lại sản xuất, tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án lớn, liên kết các ngành nghề phát triển, trong đó có du lịch nông nghiệp. Tiếp tục tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là củng cố xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện… phục vụ sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, làm giàu cho người dân.