|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy Nhơn với mục tiêu thành phố công nghiệp và hiện đại

Với Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP Quy Nhơn đến năm 2020, do Thành ủy vừa ban hành, Quy Nhơn đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại và là một trong 12 đô thị lớn của cả nước vào năm 2020.

Đây là Chương trình phát triển nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015). Để thực hiện các mục tiêu cho tương lai, Chương trình đã đánh giá sự phát triển TP Quy Nhơn trong 5 năm qua (2005-2010). Theo đó, những năm qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng TP Quy Nhơn đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển, GDP bình quân hàng năm tăng trên 13%; tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm trên 93% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Cơ sở hạ tầng thành phố được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ...

Tuy nhiên, theo nhận định của Thành ủy, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2005-2010 còn những hạn chế, yếu kém đáng lưu ý: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tăng trưởng kinh tế chưa đạt so với kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; công tác chỉnh trang đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng đô thị còn nhiều yếu kém, quản lý đô thị còn bất cập...

Để khắc phục những yếu kém trên, xây dựng và phát triển TP Quy Nhơn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP Quy Nhơn đến năm 2020 đặt ra mục tiêu chung là phát huy năng lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố; tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, tập trung phát triển kinh tế thành phố theo hướng hiệu quả và bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề để đến năm 2020, TP Quy Nhơn trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại và là một trong 12 đô thị lớn của cả nước.

Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng các mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2010-2015 là 15%/năm và tăng lên 16,5%/năm trong giai đoạn 2015-2020; đến năm 2015 giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100%; đến năm 2020 phổ cập giáo dục THPT ở các phường, xã có điều kiện; 100% các khu đô thị, khu - cụm công nghiệp được xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình đề ra các nhiệm vụ tương ứng trên từng lĩnh vực và 7 nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kế hoạch; giải pháp về huy động vốn; giải pháp về thị trường; đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao năng lực điều hành của bộ máy quản lý nhà nước.

Trong số các nhóm giải pháp trên, giải pháp về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được lãnh đạo thành phố xem là quan trọng nhất nhằm tạo bước đột phá để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP Quy Nhơn đến năm 2020 đề ra. Thành ủy đã có riêng Đề án về vấn đề này nhằm thực hiện giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị của Chương trình.

Ông Thái Ngọc Bích, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn, phân tích: “Cần xem công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị là quan trọng nhất và không chỉ xây dựng cho TP Quy Nhơn mà còn phải kết nối với các trục quốc lộ và các vùng miền xung quanh. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là phát triển giao thông vận tải, cả đường biển và đường không, sẽ tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư cũng cần phải chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội để phát triển bền vững. Và một giải pháp nữa cũng quan trọng là cần nâng cao chất lượng lao động”.

Cả lãnh đạo tỉnh và thành phố đều ý thức rằng, TP Quy Nhơn cần được đầu tư để phát triển xứng tầm là đô thị loại I, trung tâm tỉnh lỵ Bình Định trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Cùng với việc phát huy năng lực, nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực, các điều kiện, cơ chế riêng của tỉnh dành cho, sự lớn mạnh của Quy Nhơn còn rất cần sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của mỗi người dân thành phố.


Tin nổi bật Tin nổi bật