A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Thạnh hôm nay

Vĩnh Thạnh là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 39 năm trôi qua, kể từ khi hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thạnh luôn nêu cao ngọn cờ yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng, khắc phục khó khăn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng bào Bana Vĩnh Thạnh đã đưa cây lúa lai vào sản xuất. Ảnh: XUÂN DŨNG


Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Vĩnh Thạnh đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nghe theo Đảng, đồng bào ở vùng cao đã chuyển xuống vùng thấp, định canh, định cư, thay đổi tập quán canh tác…

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thạnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi… được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Người dân một số địa phương trong huyện đã 2 lần di dời, tái định cư để nhường đất xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn và hồ thủy lợi Định Bình phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh. Huyện cũng đã khôi phục và mở rộng hồ thủy lợi Hòn Lập, xây dựng mới hồ Hà Nhe và hồ Tà Niêng đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng, hầu hết đều được thảm nhựa và bê tông đến tận thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của nhân dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của nhiều địa phương trong huyện. Các chợ, trường học, trạm xá từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, đặc biệt chợ Định Bình (đầu tư giai đoạn I) gần 8 tỉ đồng, là trung tâm thương mại của huyện Vĩnh Thạnh. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng chợ Định Quang (xã Vĩnh Quang). Các xã, thị trấn trong huyện đều có trạm y tế, 9/9 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ.

Kinh tế nông nghiệp đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Diện tích các giống lúa có năng suất, chất lượng cao được mở rộng, năng suất và sản lượng lúa tăng mạnh, đảm bảo lương thực tại chỗ. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được triển khai có hiệu quả và được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Huyện đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Tà Súc với diện tích 20 ha, đã có 5 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và đi vào hoạt động các ngành nghề: sản xuất đồ gỗ gia dụng, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cây tre, chế biến than cao cấp từ gỗ bạch đàn… Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Riêng năm 2013, tổng sản phẩm địa phương tăng 13,8%; trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 9,4%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 19,2%; thương mại - dịch vụ tăng 19,4% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,65 triệu đồng/người/năm. 

Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng, có 78,5% hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; 26,3% thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; 44,4% cơ quan đơn vị, trường học đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”… Phong trào xây dựng nông thôn mới từng bước thực hiện có hiệu quả; công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, hàng năm tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 5%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính quyền các cấp được củng cố và kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. 

XUÂN DŨNG


Tin nổi bật Tin nổi bật