A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng chè Tiến Vua trở thành sản phẩm chủ lực

Với nhiều đặc điểm độc đáo và lịch sử lâu đời, chè Tiến Vua -một loại đặc sản của vùng rừng núi An Toàn - đang được huyện An Lão định hướng phát triển thành sản phẩm nông sản chủ lực, mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Tinh hoa từ thiên nhiên

Chè Tiến Vua chỉ xuất hiện tại vùng núi cao An Toàn ở độ cao từ 800 - 900 m so với mực nước biển. Với môi trường sinh thái trong lành, cây chè nơi đây phát triển tự nhiên, tạo ra những lá chè có hương vị và chất lượng đặc biệt. Theo khảo sát từ Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, hiện có 493 cây chè Tiến Vua với chiều cao từ 0,4 - 9 m phân bố trong các khu rừng tự nhiên. Ngoài ra, HTX chè Tiến Vua An Toàn cũng ghi nhận khoảng 5.000 cây chè mọc tự nhiên rải rác khắp các thôn trong xã.

Sự đa dạng sinh học của chè Tiến Vua còn thể hiện qua ít nhất ba giống chè khác nhau, mỗi giống mang đặc điểm riêng về lá, hoa và quả, tạo nên sự phong phú và đặc trưng cho loại chè này. Chính những đặc điểm đó góp phần làm nên tên tuổi và giá trị của chè Tiến Vua, khiến nó trở thành sản phẩm độc đáo.

Năm 2018, với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, huyện An Lão đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chè Tiến Vua - An Toàn -An Lão - Bình Định”. Nhãn hiệu này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu chè Tiến Vua. Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng đã xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết để chè Tiến Vua thực sự khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chè Tiến Vua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất chè Tiến Vua tại xã An Toàn. Dự án do Công ty CP và Dịch vụ Q-Link triển khai đầu tư với vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, được cho sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của sản phẩm; tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị kinh tế của chè Tiến Vua.

Bà Bùi Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty CP và Dịch vụ Q-Link, chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc xác định vùng nguyên liệu và thu hái chè, công ty đã đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ cây chè An Toàn. Năm 2024, công ty đã thử nghiệm thành công 4 sản phẩm từ cây chè Tiến Vua, gồm Hồng trà, Hoàng trà, Diệp trà và trà thực dưỡng Bancha. Tuy nhiên, để chè Tiến Vua đạt đến tầm vóc của một sản phẩm chủ lực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và huyện An Lão để đánh giá năng suất, chi phí sản xuất, từ đó xác định hướng phát triển trong tương lai.

Cây chè Tiến Vua phát triển ở xã An Toàn, hứa hẹn trở thành sản phẩm chủ lực trong tương lai. Ảnh: DŨNG NHÂN

Cần chiến lược phát triển chè Tiến Vua

Hiện nay, Công ty CP và Dịch vụ Q-Link đang đối mặt với khó khăn về nhân lực trong việc chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Đa phần chè Tiến Vua nằm trong rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý, nên công ty chỉ có thể thu mua nguyên liệu từ rừng sản xuất và từ người dân. Việc vận động bà con thu hái chè gặp nhiều trở ngại, do phụ thuộc vào thời điểm cây ra búp. Hiện tại, công ty liên kết với các hộ dân được giao khoán rừng để thu mua nguyên liệu, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Để phát triển bền vững, công ty cần sự hỗ trợ pháp lý để tiếp cận nguồn nguyên liệu một cách ổn định. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và chăm sóc cây chè theo hướng giữ nguyên bản hoang dã, cùng với quy trình chế biến và đóng gói đạt chuẩn, là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng chè Tiến Vua ổn định và cạnh tranh.

Cùng với đó có thể thấy ngay rằng việc thiết kế logo và bao bì sản phẩm sao cho dễ nhận diện cũng cần được chú trọng để tạo ấn tượng mạnh mẽ trên thị trường. Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển chè Tiến Vua. Theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), việc quảng bá sản phẩm cần được gắn liền với câu chuyện về chè Tiến Vua và chỉ dẫn địa lý. Các sự kiện ngoại giao, văn hóa, ẩm thực cũng có thể được tận dụng để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của chè Tiến Vua cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển. HTX chè Tiến Vua An Toàn đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo người dân địa phương về quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến. Đây vừa là cách bảo vệ cây chè cổ thụ, vừa là cơ hội để người dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chè, góp phần cải thiện đời sống kinh tế. Ngoài ra, việc tổ chức các lễ hội, festival cũng là giải pháp cần thiết để quảng bá chè Tiến Vua, góp phần giới thiệu sản phẩm, giúp hình thành văn hóa thưởng trà đặc trưng của vùng đất Bình Định, thu hút du khách và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, sớm đưa thương hiệu chè Tiến Vua vươn xa hơn trên bản đồ nông sản Việt Nam.   


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật