A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và vấn đề phát triển thiết chế văn hóa

Thị xã An Nhơn được thành lập cách nay hơn 3 năm, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng tây bắc, thị xã có 10 xã và 5 phường, với 108 khu dân cư, dân số gần 200.000 người. Trên địa bàn thị xã còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa khá hấp dẫn đối với giới nghiên cứu cũng như du khách. Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo phát triển văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thị xã.

Nhà văn hóa xã Nhơn Hưng.

Công tác xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” là một trong những nhiệm vụ cụ thể của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Với sự gắn kết cùng chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào càng trở nên thiết thực trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hoá nông thôn theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong những năm qua, phong trào “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” trên địa bàn thị xã An Nhơn được triển khai sâu rộng, thị xã đã tổ chức thành công Lễ phát động thi đua “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” với 10/10 xã đăng ký. Qua phong trào này đã khơi đậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư, trong mỗi thôn, khu vực, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau làm giàu chính đáng trong cộng đồng dân cư. Trong việc thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, khu vực văn hoá”, “Đơn vị văn hoá” đã góp phần thực hiện tốt 5 tiêu chuẩn trong phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”. Tại các địa phương, những thôn, xóm, gia đình đã được công nhận văn hoá, người dân có ý thức, có trách nhiệm hơn với chính cộng đồng, với chính danh hiệu đã đạt được.

Có thể thấy, phong trào “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” trên địa bàn thị xã An Nhơn thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng môi trường văn hoá sạch - đẹp, an toàn… Đến nay trên địa bàn toàn thị xã có 100% thôn, khu vực đã hoàn thiện việc xây dựng hương ước, quy ước; 69/108 thôn, khu vực đạt chuẩn văn hoá; 39.181/43.906 gia đình được công nhận gia đình văn hoá; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn phát huy, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá được đông đảo các tổ chức, cá nhân ủng hộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân, hoàn thiện các thiết chế văn hoá trên địa bàn thị xã.

Trong phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, để đạt tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí và được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới” là điều hết sức khó khăn, bởi tiêu chí về thiết chế văn hoá, thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu khá cao, mà cụ thể là Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã và Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn. Nhận thức được vấn đề này cấp uỷ Đảng, chính quyền thị xã đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hoá trên địa bàn một cách quyết liệt.

Từ tình hình thực tiễn những năm 2013 trở về trước, thị xã chưa có Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã, Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn, các xã chủ yếu lấy Trung tâm học tập cộng đồng, các thôn lấy trụ sở thôn làm nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao. Để từng bước phấn đấu  đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, thì việc ưu tiên dành quỹ đất cho hoạt động văn hoá, thể thao là nhu cầu hết sức bức thiết. Vì vậy UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường mở rộng quy hoạch và quy hoạch mới quỹ đất dành cho các công trình văn hoá, thể thao cấp xã và cấp thôn đảm bảo đúng diện tích theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, 100% xã, phường đã lập xong quy hoạch sử dụng đất; 14/70 thôn có Nhà văn hoá - khu thể thao; 3/10 xã có Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực triển khai lập dự toán thiết kế, tìm nguồn vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khởi công xây dựng các công trình văn hoá, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hoá tình thần trong cộng đồng dân cư. Nhìn chung, các nhà văn hoá mới đươc xây dựng khang trang sạch đẹp, bảo đảm cho việc hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao.

Nổi bật trong việc quy hoạch và xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao trên địa bàn thị xã An Nhơn là xã Nhơn Lộc. Năm 2013, Nhà văn hoá xã đã được khởi công xây dựng, sau đó hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư các thiết chế thể thao xã, địa phương cũng quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao ở các thôn, tập trung tuyên truyền vận động bà con hiến đất, đóng góp công sức, vật liệu, tài chính để xây dựng nhà văn hoá ở mỗi thôn. Đến đầu năm 2014, xã  đã hoàn thành xong 6/6 Nhà văn hoá thôn, bình quân mỗi Nhà văn hoá thôn được thiết kế xây dựng với kinh phí trên 550 triệu đồng, xã hỗ trợ mỗi Nhà văn hoá 100 triệu đồng, phần còn lại xã cùng với ban thôn vận động bà con trong thôn và con em địa phương có điều kiện, đang làm ăn sinh sống ở ngoài địa phương đóng góp kinh phí để xây dựng.

Với việc đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà văn hoá thôn là một trong những cơ sở vật chất quan trọng để cộng đồng dân cư tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cũng là nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm mới phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống từng gia đình, từng thôn, xóm, góp phần gắn kết tình cảm trong các cộng đồng.

Có thể thấy, những kết quả tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống thiết chế cơ sở đã góp phần xây dựng thị xã An Nhơn ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu đề ra thì tiến độ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở của thị xã vẫn còn chậm bởi khó khăn về cơ chế tạo nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ở một số nơi, quỹ đất đã được quy hoạch làm công trình văn hóa nhưng vẫn bị chiếm dụng hoặc bị những quy hoạch khác chồng lấn, chuyển đổi mục đích sử dụng… Chính vì vậy, lãnh đạo thị xã xác định tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới nhằm đáp ứng đời sống tinh thần và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Từ đó, góp phần đưa phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở thị xã ngày càng phát triển bền vững, thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, thị xã An Nhơn tiếp tục đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng phong trào "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 như­ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao các chỉ tiêu đạt đư­ợc giai đoạn 2010 - 2014. Phát huy các tiềm năng lợi thế nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2015 - 2020. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", với chất lượng cao hơn, toàn diện hơn. Phấn đấu xây dựng con ngư­ời phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi gia đình là một tế bào lành mạnh của xã hội. Mỗi làng quê, trở thành một cộng đồng dân c­ư phát triển về dân sinh, dân trí, dân chủ và văn minh.

Quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động mọi nguồn lực đầu t­ư, xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục; huy động tốt công tác xã hội hoá, tạo ra nhiều ph­ương thức và mô hình tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá cơ sở.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các nội dung xây dựng đời sống văn hoá ở từng địa phương, chú trọng công tác đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước; bài trừ mê tín dị đoan; không có tệ nạn cờ bạc, mại dâm và ma túy trên địa bàn. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đáp ứng  yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

 

Nguồn: svhttdl.binhdinh.gov.vn

 


Tin nổi bật Tin nổi bật