A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh trên địa bàn

Thực hiện chương trình giám sát năm 2015, sáng nay 10/4, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội – Hội đồng nhân dân tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh (LTQD) giai đoạn 2004 – 2014 trên địa bàn tỉnh. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.


Thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các LTQD trên địa bàn

Trước năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 09 lâm trường do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Sau khi thực hiện Nghị định của Chính phủ về sắp xếp các LTQD, đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 03 Công ty TNHH Lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn; các lâm trường còn lại chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ, do UBND các huyện trực tiếp quản lý.

Trong 10 năm (2004 – 2014), tổng diện tích đất tự nhiên được giao cho các lâm trường quản lý, sử dụng tăng từ 152.822 ha lên 233.047 ha. Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, toàn bộ diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh đã được xác lập và quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) với cơ cấu tương đối hợp lý. Các đơn vị đẩy mạnh giao, cho thuê, khoán rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Công ty; xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng để nhân ra diện rộng.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các LTQD trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều nơi đất rừng của các công ty bị người dân trong và ngoài tỉnh lấn chiếm để canh tác; diện tích đất trồng rừng của các Công ty mặc dù đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng một số hộ dân vẫn yêu cầu trả lại để sản xuất, thậm chí có hộ ngang nhiên xâm lấn, lấn chiếm, dẫn đến tranh chấp. Việc phân cấp, phân công trong các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng chưa rõ ràng. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp; rừng phòng hộ các huyện Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh bị lấn chiếm để làm nương rẫy, trồng rừng kinh tế. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn Vĩnh Thạnh, An Lão bị lâm tặc thường xuyên xâm hại…

Nguyên nhân và giải pháp

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương có liên quan nêu rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đã nêu. Các đơn vị cho rằng cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển lâm nghiệp hiện nay chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất nên tính khả thi và hiệu quả thấp; mức nhận khoán bảo vệ rừng quá thấp (200.000 đồng/ha/năm), gây tác động không tốt đến các hộ nhận khoán. Bên cạnh đó, sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, việc xử lý hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng của một số địa phương chưa được quan tâm, chưa đủ sức răn đe. Lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban Quản lý còn mỏng, kinh phí bố trí cho các hạng mục đầu tư không đủ, chưa kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng đề nghị các địa phương, công ty nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng tập trung nâng cao nhận thức trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các LTQD trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp về lấn chiếm đất đai, các hành vi khai thác trái phép; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu sản xuất; những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không có hiệu quả thì chuyển cho địa phương quản lý; triển khai thực hiện Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành quy hoạch, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng trong năm 2015.

Theo KL (ubndbinhdinh.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật