A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Ðịnh 2016: Hẹn gặp lại trong lần Liên hoan thứ VII

Tối 4.8, tại Quảng trường Trung tâm tỉnh đã diễn ra Lễ bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định 2016. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đông đảo quần chúng nhân dân.

Môn phái Bình Định gia tại Hà Nội biểu diễn trong lễ bế mạc. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan, đánh giá cao tinh thần hướng về cội nguồn của các đoàn võ thuật trong và ngoài nước, khi vượt qua nhiều khó khăn để về tham dự Liên hoan. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn đến các cấp, các ngành, các lực lượng đã tạo điều kiện để kỳ Liên hoan diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng võ cổ truyền Việt Nam ngày một phát triển mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tặng cờ, hoa chúc mừng các đoàn đoạt giải Nhất, Nhì và Ba toàn đoàn Giải võ cổ truyền tỉnh Bình Định mở rộng năm 2016. Ảnh: VĂN LƯU

Nhiều tiết mục võ thuật ấn tượng, mang nét đặc trưng riêng của các môn phái đã được trình diễn trong đêm bế mạc, giúp người xem cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của võ cổ truyền Việt Nam. Xuyên suốt trong chương trình, các môn phái, đoàn võ thuật tham dự Liên hoan đã mang đến những bài quyền, phần đối luyện, đồng diễn, biểu diễn binh khí, khí công… như chứng minh cho sự đa dạng, phong phú của võ Việt.

Các võ sư, võ sinh nước ngoài biểu diễn trong đêm bế mạc. Ảnh: VĂN LƯU

Khán giả hết sức xúc động và khâm phục khi chứng kiến võ sinh Minh Phúc đến từ Trung tâm Huấn luyện võ Bình Định cho trẻ em cơ nhỡ và khuyết tật TP Hồ Chí Minh biểu diễn. Bởi dù cụt hai chân, cánh tay trái cũng không còn, nhưng võ sinh 26 tuổi này vẫn thể hiện bài rìu khá thuần thục, xen lẫn những động tác nhào lộn ấn tượng. Cũng thu hút được sự chú ý của các đoàn võ thuật cùng khán giả là màn đồng diễn của các võ sinh cao tuổi đến từ Bà Rịa -Vũng Tàu, trên nền bài nhạc “Viếng lăng Bác” đầy sâu lắng.

Võ sinh khuyết tật Minh Phúc gây xúc động khi biểu diễn khá thuần thục bài rìu. Ảnh: LÊ CƯỜNG

Trong khi đó, mong muốn của 16 đoàn võ thuật nước ngoài là được biểu diễn ngay tại cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam cũng được đáp ứng khá trọn vẹn. Kết thúc lễ bế mạc, võ sư, võ sinh các đoàn tranh thủ chụp những bức hình lưu niệm, cùng những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt, thể hiện tình cảm, sự lưu luyến của “những người con xa xứ”, khi sắp nói lời chào tạm biệt với các thành viên trong “ngôi nhà chung võ Việt Nam”.

Liên hoan đã khép lại với nhiều hình ảnh đáng nhớ, và tất cả cùng nhủ sẽ lại sum họp tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII.

* Cũng tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã tiến hành trao huy chương cho các VĐV đoạt thành tích cao tại Giải võ cổ truyền Bình Định mở rộng năm 2016. Ở giải toàn đoàn, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đoạt giải Nhất; đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Khánh Hòa giành giải Nhì; giải Ba thuộc về đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi.

 

Anh SALMI MAKHLCEUY, đoàn Văn lang võ đạo (Algerie): Tôi dành nhiều thời gian để ghi hình lại những tiết mục võ thuật đẹp mắt

Anh Salmi Makhlceuy, 27 tuổi, đến từ đoàn Văn lang võ đạo (Algerie), học võ cổ truyền Việt Nam mới 2 năm. Tại sân khấu giao lưu võ thuật tại Chùa Thiên Hưng (ngày 3.8), anh được các thành viên trong đoàn phân công phô diễn các kỹ thuật căn bản của võ cổ truyền Việt như: đi bằng 5 đầu ngón chân, nhào lộn... Hình ảnh “ông Tây” nhanh nhạy, uyển chuyển với các động tác kỹ thuật căn bản làm nhiều người dân trầm trồ, khen ngợi.

Anh Salmi Makhlceuy trong một bài biểu diễn. 

Là lần đầu tiên tham dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, anh Salmi Makhlceuy rất phấn khởi. Thông qua một người đồng môn thông thạo tiếng Anh, anh liên tục nhấn mạnh với những người trò chuyện cùng mình về vẻ đẹp hiền hòa của Bình Ðịnh. Anh Salmi tiết lộ: “Tôi dành nhiều thời gian để ghi hình lại những tiết mục võ thuật đẹp mắt. Tôi sẽ đem những hình ảnh này chia sẻ với các võ sinh đồng môn ở nước nhà để họ có cơ hội được học tập các bài quyền, thế đánh độc đáo”.

 

Bà DUMAMA DERNOUSSI, võ sinh đoàn Văn Lang võ đạo (Morocco): Từ võ cổ truyền tôi hiểu thêm văn hóa, lịch sử Việt Nam

Chồng và con trai tôi luyện tập võ cổ truyền Việt Nam đã nhiều năm. Niềm đam mê của chồng con đã lan truyền sang tôi rất tự nhiên. Bắt đầu tập từ năm 2013, môn võ này không chỉ giúp tôi có thêm sức khỏe, mà qua đó còn hiểu thêm về truyền thống văn hóa lịch sử Việt Nam.

Tiết mục biểu diễn của anh Dumama Bernoussi (Văn Lang võ đạo, con trai của bà Dumama Dernoussi) được nhiều người xem cổ vũ nhiệt tình. Ảnh: HOÀI THU

Chuyên cần rèn luyện, ta sẽ dần có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của “võ đạo” Việt Nam. Gia đình sẽ chia sẻ cùng bạn bè, người thân ở Morocco những điều tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và Bình Ðịnh mà chúng tôi cảm nhận được.                                    

 

Ðại đức THÍCH TÂM CHIẾU, đội trưởng đội võ thuật Võ kinh Vạn An: Chúng tôi đã học hỏi thêm được nhiều tinh hoa của các môn phái

Môn phái chúng tôi đã nhiều lần về dự Liên hoan tại Bình Ðịnh từ năm 2008 đến nay. Lần này đoàn chúng tôi về dự có 17 người, trong đó phần lớn là võ sinh trẻ lần đầu được đi nên rất háo hức.

Tiết mục ấn tượng của đoàn Võ kinh Vạn An (Huế). Ảnh: TRẦN HOA KHÁ

Ðến giao lưu biểu diễn ở các võ đường, chúng tôi thường được xếp biểu diễn sau nhiều đoàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn vui vẻ chờ đợi và hết mình khi ra biểu diễn. Những tiết mục đặc trưng, thể hiện sự công phu khổ luyện của Võ kinh Vạn An luôn được người xem tán thưởng. Qua những lần về dự Liên hoan, chúng tôi đã học hỏi thêm được nhiều tinh hoa của các môn phái, nhất là những bài võ đặc trưng ở các võ đường tiêu biểu của đất võ Bình Ðịnh.

 

HLV KIM SƠN TĨNH, đoàn Tây Sơn Ngọc Ðiệp (tỉnh Bình Dương): Liên hoan còn diễn ra, chúng tôi còn trở về!

Không chỉ có tôi mà nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì năm nay chương trình biểu diễn giao lưu tại các võ đường được tổ chức cùng một thời gian (sáng 3.8), các võ đường ở cách xa nhau vài chục cây số, khiến cho các đoàn dù cố gắng thế nào cũng không thể tham quan, biểu diễn tại 2 nơi.

Gần như ai cũng biết các võ đường hầu hết có không gian hẹp, hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu điều kiện để đón tiếp đông người mà vẫn chu đáo. HLV Kim Sơn Tĩnh chân thành tâm sự: “Nếu phải đứng chen chúc, chịu nóng nực vì chật hẹp hay không đủ ghế ngồi, tôi cho là rất nhỏ. Hơn nữa, đặc điểm “vườn” (võ sư vườn, võ đường sân đất) chính là đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam nói chung, võ cổ truyền Bình Ðịnh nói riêng, đó là nét đẹp, các đoàn võ quốc tế rất thích. Ðiều quý nhất là sự chân tình, lòng mến khách của chủ nhà, đó mới là cách tổ chức chu đáo nhất, chuyên nghiệp nhất.

Nhiều người nhận xét Liên hoan qua các kỳ có vẻ giảm sức hút, nhưng bản thân tôi không thấy vậy, chúng ta phải biết mục đích chính của chuyến đi. Với tôi, lần Liên hoan sau, nếu quy mô có nhỏ đi hay nội dung chương trình kém hấp dẫn…, những điểm trừ đó nếu không phải ở võ thuật, chúng tôi còn trở về… Liên hoan còn diễn ra, chúng tôi còn trở về!”.

 

Ông FILIPE SAUSE,  đoàn Việt Võ Ðạo Bồ Ðào Nha: “Zero – Sure & Tôi sẽ trở lại”

Filipe Sause lặp lại 2 lần từ “zero, zero” (không, không) khi nói về khó khăn, đồng thời cũng khẳng định 2 lần “sure, sure” (chắc chắn, chắc chắn) khi được hỏi có trở lại!

Những bất mãn hay phiền phức nếu có, nếu là ngoài chuyên môn, tức ngoài võ thuật, thì đó chỉ là chuyện bên lề. Mục đích chuyến đi của tôi là để đặt chân đến, có mặt trên quê hương của võ cổ truyền Việt Nam; được nhìn thấy, gặp gỡ những con người đang giữ gìn nền võ thuật ấy; được kết bạn, biểu diễn giao lưu với nhiều môn phái, võ phái ở khắp mọi nơi trên thế giới đang cùng tụ hội trong Liên hoan võ lớn.               

Nguồn: baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật