|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình khuyến công đến năm 2020

(binhdinh.gov.vn)-Thực hiện Văn bản số 1912/BCT-CTĐP ngày 18/3/2020 của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định báo cáo tình hình thực hiện Chương trình khuyến công đến năm 2020 theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Sản xuất bánh tráng Dalop. Ảnh: NGỌC TUẤN

Qua 07 năm (2014-2020), Bình Định đã thực hiện 341 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 27.853 triệu đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia thực hiện 21 chương trình, đề án với kinh phí 9.719 triệu đồng, chiếm 35% so tổng kinh phí, bình quân 1.388 triệu đồng/03 đề án/năm; khuyến công địa phương thực hiện 320 chương trình, đề án với kinh phí 18.134 triệu đồng, chiếm 65% so tổng kinh phí, bình quân 2.591 triệu đồng/46 đề án/năm. Qua đó, nhiều ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, đóng góp giá trị SXCN, KNXK, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, …; gia tăng số lượng cơ sở sản xuất; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả đạt được cụ thể:

Về hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, Bình Định đã thực hiện 10 đề án đào tạo nghề, truyền nghề cho 707 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.002 triệu đồng, chiếm 3,6% so với tổng kinh phí.

Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện 122 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 14.135,6 triệu đồng, chiếm 50,7% so tổng kinh phí. Nội dung hỗ trợ tập trung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm mới đạt kết quả thiết thực, phù hợp với chủ trương, định hướng của nhà nước về phát triển sản phẩm. Việc hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản xuất và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, thực hiện 123 chương trình với tổng kinh phí 3.888,7 triệu đồng, chiếm 14% so với tổng kinh phí. Trong đó, đã đăng cai tổ chức 01 Hội chợ Công Thương duyên hải miền Trung - Bình Định 2018; tổ chức 4 lần tham gia bình chọn sản phẩm CNNT cấp khu vực và tham gia hội chợ hàng CNNT cấp khu vực; hỗ trợ 9 cơ sở xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu; tổ chức 02 Cuộc thi thiết kế chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch Bình Định; hỗ trợ 01 gian hàng của Sở Công Thương tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định; hỗ trợ 01 lượt tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện; hỗ trợ 03 cơ sở đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với du lịch; nhất là công tác tổ chức 04 chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh đạt kết quả khá cao. Đặc biệt, có 07 sản phẩm đạt cấp Quốc gia năm 2017 và 2019 (sản phẩm của Công ty TNHH TMDVSX Hải Lan, Công ty TNHH SXTM&DV Đường Minh, Cơ sở nước mắm Như Hoa, HTX Nông nghiệp Ngọc An), đưa Bình Định trở thành tỉnh trong tốp đầu cả nước có nhiều sản phẩm đạt cấp khu vực và quốc gia.

Về hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT, Bình Định thực hiện 05 đề án với tổng kinh phí 175 triệu đồng, chiếm 0,7% so tổng kinh phí . Trong đó, đã hỗ trợ 5 cơ sở thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm. Tạo cơ hội để cơ sở CNNT đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết, phân biệt sản phẩm của các cơ sở trên thị trường; đồng thời, từng bước giúp cơ sở CNNT khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường.

Về hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, hỗ trợ 419 triệu đồng trên 38 đề án, chiếm 1,5% so với tổng kinh phí. Trong đó, kinh phí khuyến công cấp tỉnh hỗ trợ 02 chương trình tuyên truyền hoạt động khuyến công phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên Báo Bình Định và 03 chương trình trên Đài truyền hình về tuyên truyền hoạt động khuyến công và làng nghề, 01 tạp chí Công Thương về hoạt động khuyến công; kinh phí khuyến công cấp huyện (thị xã An Nhơn) hỗ trợ 32 chương trình tuyên truyền khác. Qua đó, đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến công, các mô hình khuyến công hiệu quả đến các cơ sở CNNT, để cơ sở CNNT có thể tiếp cận các chính sách khuyến công và học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm hay để có thể vận dụng vào sản xuất.

Về hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp, Bình Định thực hiện 08 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 5.920 triệu đồng, chiếm 21,2% so tổng kinh phí. Trong đó, có 05 đề án lập quy hoạch chi tiết CCN, kinh phí hỗ trợ 1.440 triệu đồng; 01 đề án hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN Phú An, huyện Tây Sơn với kinh phí hỗ trợ 1.600 triệu đồng, 01 đề án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho Cụm công nghiệp Cát Khánh, huyện Phù Cát với kinh phí hỗ trợ 3.000 triệu đồng, góp phần thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê đến năm 2019, đã có 43 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, thu hút 293/327 dự án hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động, số còn lại chờ phê duyệt chấp thuận đầu tư; 10/43 cụm công nghiệp đã lấp đầy diện tích đất sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện 12 đề án khuyến công địa phương, sử dụng từ nguồn kinh phí khuyến công cấp huyện (thị xã An Nhơn), với tổng kinh phí hỗ trợ 1.298 triệu đồng, chiếm 4,6% so tổng kinh phí. Nội dung tập trung chủ yếu hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết làng nghề gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và đầu tư kết cấu hạ tầng cho các làng nghề ở địa phương.

Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, hỗ trợ 1.014,2 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) thực hiện 23 đề án, chiếm 3,6% so tổng kinh phí.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2014-2020, Bình Định đã thu hút vốn đầu tư cơ sở CNNT trên 160.107 triệu đồng; tạo việc làm cho 3.717 lao động nông thôn, tăng 3,1 lần trước khi được vốn khuyến công hỗ trợ; các cơ sở CNNT sử dụng nguyên liệu sản xuất tại chỗ ở địa phương chiếm trên 76%; sản phẩm sản xuất ra đã được cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ; doanh thu của các cơ sở CNNT ước đạt 1.141 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách địa phương ước trên 228 tỷ đồng.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật