|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn)-Thực hiện Văn bản số 1100/BCT-TTTN ngày 20/02/2020 của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020.

Vĩnh Thạnh tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn năm 2017.

Tỉnh Bình Định đã triển khai kịp thời các chính sách, chương trình trên địa bàn miền núi, hải đảo trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về hạ tầng thương mại, giai đoạn 2015-2020, Bình Định đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo bằng việc thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế; hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ ngày càng chuyển biến mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển mô hình chợ truyền thống là phát triển các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh,... đã tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, địa phương trong tỉnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 180 chợ đang hoạt động, trong đó chợ hạng I là 12 chợ, chợ hạng II là 16 chợ và chợ hạng III là 152 chợ. Riêng 03 huyện miền núi và xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) có 14 chợ, đều là chợ hạng III, trong đó huyện Vân Canh có 05 chợ, huyện Vĩnh Thạnh có 06 chợ, huyện An Lão có 02 chợ và thành phố Quy Nhơn có 01 chợ, chiếm 7,78% so với tổng số chợ trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chợ trên được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của địa phương.

Về xúc tiến thương mại, giai đoạn 2015-2020, Bình Định đã tổ chức 32 lượt Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Mỗi Phiên chợ có từ 30 đến 35 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt tham gia, đã thu hút khoảng 10.000 đến 15.000 lượt khách đến tham quan mua sắm với doanh thu bình quân đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/Phiên chợ. Có 8 Phiên chợ hàng Việt về miền núi.

Ngoài việc tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao thương kết nối cung cầu nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, hợp tác kinh doanh với các đơn vị phân phối nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa.

Việc đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng như: Tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu; thiết lập kênh phân phối hàng hóa; thiết kế bao bì, nhãn mác hàng hóa; kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Ngoài ra, công tác phục vụ hàng hóa thiết yếu cho đồng bào miền núi trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng được triển khai thường xuyên. UBND tỉnh cũng đã ban hành Phương án bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, với mức kinh phí hỗ trợ để thực hiện bình ổn giá cho thị trường miền núi là 15.807,41 triệu đồng , chiếm 8,6%  tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.

Về hoạt động khuyến công, giai đoạn 2015 – 2020, đã hỗ trợ 1.174,13 triệu đồng/9 đề án cho các cơ sở trên địa bàn 3 huyện miền núi của tỉnh (gồm các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão).

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật