Sáp nhập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Bình Định
Trụ sở chính của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bình Định đặt tại cơ sở số 684 Hùng Vương, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn (hiện tại là Trường Cao đẳng Bình Định).
Chủ trương đúng đắn
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 04/6/2018 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; ngày 28/12/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4790/QĐ-UBND thực hiện sáp nhập 04 trường trung cấp (gồm: Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Kinh tế Kỹ thuật Bình Định, Văn hóa Nghệ thuật Bình Định) vào Trường Cao đẳng Bình Định. Đến nay cơ bản đã hoàn thành sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy của nhà trường và triển khai thực hiện bình thường các hoạt động đào tạo nghề theo quy định.
Để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập, hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, phù hợp với khả năng của ngân sách và khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tỉnh Bình Định chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Bình Định để thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bình Định (Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Binh Dinh College of Engineering and Technology. Viết tắt: BCET).
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức các phiên làm việc cụ thể với các Sở, ngành, các trường cao đẳng công lập để rà soát thực trạng tổ chức, hoạt động, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập, hình thành cơ sở GDNN chất lượng cao, phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển của tỉnh và Nghị quyết của Trung ương. Đây là việc làm đúng đắn.
Xu thế tất yếu
Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung và các trường cao đẳng công lập nói riêng thuộc tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển kịp thời. Công tác đào tạo nghề nghiệp tại các trường có bước phát triển về quy mô; sự thay đổi về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo GDNN, cán bộ quản lý và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được chú trọng. Vì vậy, các trường đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua rà soát, đánh giá, các trường đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như cùng chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp, bộ máy cán bộ, nhà giáo nơi thừa, nơi thiếu; hoạt động trên cùng một địa bàn tỉnh bị phân tán, ngành nghề đào tạo còn chồng chéo, chưa tập trung, dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề nghiệp cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc duy trì nhiều trường cao đẳng trên cùng địa bàn tạo áp lực cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải, kinh phí phân bổ phân tán cho các nhiệm vụ trọng tâm, gây tốn kém, lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Đáng lưu ý, trong các năm gần đây hoạt động của một số trường không phát huy được hiệu quả do công tác tuyển sinh không đạt chỉ tiêu được giao. Hiện nay, đã có hiện tượng khó khăn đối với nguồn tuyển sinh ở một số trường cao đẳng dẫn đến năng lực bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo không được khai thác và hoạt động hết công suất.
Từ những lý do trên, việc sáp nhập các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh thành trường chất lượng cao, đa ngành nghề là xu thế tất yếu và cần thiết.
Lợi ích nhiều mặt
Trước hết, việc sáp nhập các trường cao đẳng sẽ giúp tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường, đảm bảo nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến; đồng thời, tăng năng lực cạnh tranh đối với các trường trong nước và khu vực.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bình Định (mới) đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý... để hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất. Trụ sở chính của Trường đặt tại cơ sở số 684 Hùng Vương, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (hiện tại là Trường Cao đẳng Bình Định). Bên cạnh đó, Trường còn có cơ sở đào tạo 2 tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) và 02 cơ sở thực hành tại phường Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn) và phường Bình Định (thị xã An Nhơn). Trường sẽ tiếp nhận nguyên trạng biên chế, đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Bình Định để quản lý theo quy định (gồm 237 cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường Cao đẳng Bình Định và 145 cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Việc bố trí số lượng người làm việc sau khi sáp nhập đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp vị trí việc làm, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn.
Hiện nay, hàng năm Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tuyển sinh được từ 1.200 đến 1.500 học sinh, sinh viên; năm 2018, Trường Cao đẳng Bình Định tuyển sinh được 763 học viên (đạt 37,4% so với năm 2014). Theo dự kiến, sau khi sáp nhập, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bình Định sẽ tuyển sinh khoảng 5.919 sinh viên/học sinh/học viên trong năm 2020 (trong đó, trình độ cao đẳng là 1.647 sinh viên, trình độ trung cấp là 1.907 học sinh, trình độ sơ cấp là 2.245 học viên, đào tạo thường xuyên là 120 học viên) và tăng dần quy mô đào tạo sinh viên/học sinh/học viên vào năm 2021 và những năm tiếp theo.
Là “địa chỉ” đào tạo nguồn nhân lực đa ngành nghề, đa cấp trình độ, Trường tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo như: Cấp độ Quốc tế gồm 04 nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Hướng dẫn du lịch; Cấp độ Khu vực ASEAN gồm 04 nghề: Hàn, Cắt gọt kim loại, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn; Cấp độ Quốc gia gồm 04 nghề: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), Chế biến và bảo quản thủy sản, Nghệ thuật biểu diễn dân ca.
Với đầu mối đào tạo nghề công lập, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bình Định sẽ được ngân sách tỉnh tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm phục vụ phát triển trong tương lai lẫn con người, hướng đến lộ trình tự chủ tài chính khả thi; đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật đã được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong tỉnh; gắn việc đào tạo với sử dụng nhân lực sau khi đào tạo, huy động các nguồn lực xã hội và các đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo. Đây là yếu tố, là động lực thúc đẩy phát triển GDNN, phục vụ có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Kim Loan