Bình Định chú trọng đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá
Tỉnh Bình Định hiện có đội tàu cá hơn 7.700 chiếc, trong đó phần lớn là đánh bắt xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên. Bình Định cũng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi, hoán cải từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép phục vụ đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, các cảng cá ở địa phương này đang xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho việc cập cảng của các tàu cá công suất lớn.
Trong 3 cảng cá lớn phục vụ hậu cần cho đánh bắt thủy hải sản ở Bình Định gồm cảng cá Tam Quan ở huyện Hoài Nhơn; cảng Đề Gi, huyện Phù Cát và cảng Quy Nhơn ở thành phố Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn có đội tàu cá nhiều nhất tỉnh, chủ yếu là tàu to máy lớn, hành nghề câu cá ngừ đại dương.
Thế nhưng, nhiều năm qua, cảng cá ở địa phương này thường xuyên bị bồi lấp, tàu cá của ngư dân không thể ra vào được. Năm nào chính quyền địa phương cũng đầu tư hàng tỷ đồng để nạo vét nhưng không thể xử lý dứt điểm tình trạng cảng cá bị bồi lấp.
Việc bảo quản cá còn sơ sài ngay trên mặt bê tông cầu cảng. Ảnh: T.L
Một ngư dân đi trên tàu cá BD 95174 chuyên câu cá ngừ cho biết, huyện Hoài Nhơn có chợ thu mua cá ngừ đại dương nhưng việc ra vào cảng khó khăn và nguy hiểm nên tàu của ông thường về Quy Nhơn hoặc vào tận Khánh Hòa, Ninh Thuận để bán sản phẩm.
“Về Hoài Nhơn bán cá cũng được, nhưng ở Tam Quan khi nước ròng nước rất cạn, ghe chở đá ướp lạnh, dầu và nước sẽ có trọng lượng nặng không thể đi nổi. Bán cá ngừ tại Ninh Thuận có thuận lợi hơn nhưng lại bị hạ 1 đến 2 giá”, ngư dân này cho biết.
Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã đầu tư 32 tỷ đồng nâng cấp cảng cá Quy Nhơn. Mới đây, Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Bình Định 47 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng cảng cá Đề Gi ở huyện Phù Cát nhằm tạo thuận lợi cho khoảng 3.000 lượt tàu cập cảng mỗi năm và nâng cao chất lượng phục vụ hậu cần nghề cá sau thu hoạch.
Tuy nhiên, việc nâng cấp cảng cá Đề Gi phải đến năm 2016 mới hoàn thành. Do các cảng cá xuống cấp, tàu cá công suất lớn không thể vào ra nên 60% số lượng tàu cá của ngư dân trong tỉnh Bình Định đi bán hải sản ở các tỉnh, thành phố khác, gây thất thu lớn cho địa phương.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Trung tâm cảng cá tỉnh Bình Định cho rằng, quy mô các cảng cá ở Bình Định hiện chỉ đáp ứng được các tàu vỏ gỗ và sẽ quá tải trong thời gian tới.
“Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hậu cần như cầu cảng cần phải tính đến quy mô lâu dài, dành cả cho tàu sắt chứ không đáp ứng với tàu gỗ. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ của dịch vụ hậu cần cũng cần phải được quan tâm đúng mức”, ông Thiện cho hay.
Để phát triển thủy sản một cách bền vững, tỉnh Bình Định đã xây dựng Đề án mở rộng, nâng cấp các cảng cá. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân vay tiền đóng mới tàu cá vỏ thép, cải hoán tàu vỏ gỗ công suất lớn, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp cảng cá đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
“Ngoài việc hỗ trợ cho ngư dân vốn vay đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, một việc quan trọng hơn đó là xây dựng các dự án để nâng cấp mở rộng các bến cá, tạo cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Tỉnh đã gửi các Đề án, các Dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan ở Trung ương để tạo điều kiện hỗ trợ cho việc xây dựng hạ tầng nghề cá của tỉnh”, ông Lộc chia sẻ./.
Theo vov.vn