A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Rộn ràng ngày hội võ thuật

Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật hưởng ứng cho Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 25/7 có chủ đề “Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Việt Nam”, qua đây sẽ tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của quê hương và con người Bình Định.

Biểu diễn võ cổ truyền phục vụ du khách tại Bình Định

Võ - Di sản văn hóa đất Tây Sơn

Bình Định vốn là quê hương của người anh hùng áo vải Tây Sơn - vua Nguyễn Huệ. Tại Bình Định, câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền” đã thuộc nằm lòng nhiều thế hệ. Võ thuật ở Bình Định đã lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống người dân, được kế thừa và phát triển qua nhiều thế kỷ. Vì lẽ đó, cuối năm 2012, võ Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trước thời Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định còn ở dạng sơ khai, chủ yếu dựa trên các thao tác đơn giản và sử dụng công cụ lao động hàng ngày. Nhưng sang đến thời Tây Sơn, khi có sự giao lưu giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, thời Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định được ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất.

Võ Bình Định đã được xây dựng thành hệ thống võ học, đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ, được nghiên cứu và áp dụng sáng tạo trong quân sự, trong chiến đấu. Sau thời Tây Sơn, có những thay đổi về lịch sử xã hội nhưng võ cổ truyền Bình Định bền bỉ sống, nhiều người tâm huyết vẫn nghiên cứu, sưu tầm, viết sách lưu truyền lại cho các thế hệ sau.

Theo một số nhà nghiên cứu võ thuật, võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu... Võ lý của võ cổ truyền Bình Định vận dụng triệt để học thuyết âm - dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản, có sự phối hợp của cả ngoại công và nội công.

Bên cạnh đó, võ cổ truyền Bình Định rất đa dạng, song chủ yếu có 4 nội dung cơ bản: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Đặc biệt, “Bài kiếm 12” nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định, được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương.

Hiện nay, tại Bình Định còn có nhiều dòng võ nổi tiếng như: Dòng họ Trương (xã Phù Mỹ, huyện Mỹ Hiệp); dòng họ Đinh (xã Nhơn An, huyện An Nhơn); dòng họ Trần (xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn); Roi Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn); Quyền An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn); Quyền An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn)…

Theo ông Bùi Trung Hiếu - Phó giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định “Cái tạo nên thương hiệu võ Bình Định là khả năng ứng dụng các đòn thế “độc” trên các sàn đài hay trong thực tế cuộc sống. Đã có không ít giai thoại về những trận đấu hấp dẫn của các võ sư, võ sĩ và của cả những người Bình Định rất bình thường được lưu truyền trong dân gian”.

Và rộn ràng ngày hội võ thuật

Theo ông Mai Thanh Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Liên hoan quốc tế võ Bình Định được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 2006) và sự kiện đã trở thành điểm nhấn về văn hóa, thể thao, du lịch truyền thống của người dân địa phương cũng như cả nước. Sự kiện lần này có chủ đề “Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Việt Nam”, qua đây sẽ tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của quê hương và con người Bình Định.

Đây cũng là cơ hội để các đoàn võ thuật trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về bảo tồn, phát triển võ cổ truyền và Liên hoan sẽ là một kênh độc đáo thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút thêm du khách đến với Bình Định.

Ban tổ chức cho biết, hiện tại đã có trên 85 đoàn võ thuật đến từ 30 quốc gia (tính cả Việt Nam) đăng ký tham dự Liên hoan. Dịp này, sẽ có nhiều hoạt động chính: Lễ Dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế trời đất; Cuộc thi bình chọn Người đẹp quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; Chương trình lễ hội đường phố…

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật hưởng ứng cho Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 25/7: biểu diễn võ thuật tại một số địa phương trong tỉnh; biểu diễn của đoàn võ thuật Nhật Bản; cuộc thi bình chọn Người đẹp quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam”; Liên hoan Ẩm thực miền đất võ…

Đất võ Bình Định chuẩn bị bước vào ngày hội lớn. Di sản võ cổ truyền Bình Định sẽ tiếp tục tỏa sáng cùng những môn võ khác trên thế giới. Chắc chắn đất võ Bình Định sẽ được biết đến nhiều hơn từ sức hút và tinh hoa của võ thuật, nhất là sự kiện hai năm mới được tổ chức một lần như dịp này./.

Theo thoibaonganhang.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật