|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tại Bình Định

Ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về tình hình GD&ĐT tới các cử tri tại buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu câu hỏi về một số vấn đề của ngành Giáo dục như công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp; việc tăng tuổi nghỉ hưu với các ngành nghề đặc thù, trong đó có giáo viên.

Cử tri kiến nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét các chế độ chính sách nhằm tăng lương, thu nhập cho giáo viên. Một sự việc cụ thể là quyền lợi của 11 cô giáo Trường Mầm non 19/5 ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phú Cát bị "bỏ quên" hơn 4 năm qua cũng được cử tri đề cập với người đứng đầu ngành Giáo dục.

Trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, trước hết là về chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã rà soát, thống kê đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn quốc. Trên cơ sở đó dự báo nhu cầu giáo viên phổ thông từ năm 2018 đến 2023 đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Cụ thể, bậc Tiểu học trong 5 năm cần đào tạo 34.315 giáo viên, trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học và công nghệ; bậc THCS cần đào tạo 23.755 giáo viên; bậc THPT mỗi năm cần bổ sung khoảng 2.415 giáo viên, trong ưu tiên đào tạo giáo viên Nghệ thuật.         

Bộ đã chỉ đạo các trường sư phạm rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo; triển khai hướng dẫn các trường sư phạm chủ chốt xây dựng chương trình đào tạo giáo viên các môn học, cấp học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Để nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ quy định điểm sàn trúng tuyển và các yêu cầu về học lực xét tuyển vào ngành sư phạm.

Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới chủ yếu tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách thức tổ chức dạy học. Do đó, các trường chỉ bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp các môn học chứ không phải mua sắm toàn bộ.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải một số môn học, tiết học; giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, học sinh được lựa chọn học phần và môn học phù hợp với nguyện vọng và sở trường của mình.

Trao đổi với cử tri về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, nguyên nhân là do quy hoạch phát triển nhân lực chưa sát với thực tế dẫn đến công tác thông tin dự báo nhu cầu lao động gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng; tình trạng nhiều doanh nghiệp giải thể, tái cấu trúc dẫn tới nhu cầu nhân lực giảm mạnh...

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Hỗ trợ học sinh - sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, tăng cường kiểm định chất lượng nhằm loại bỏ những cơ sở đào tạo không đạt chất lượng; hàng năm căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động để xác định chỉ tiêu đào tạo từng ngành cụ thể.

Về chính sách lương, thu nhập cho giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khi thảo luận cho ý kiến về “Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Bộ trưởng đã đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Về kiến nghị của 11 giáo viên Trường Mầm non 19/5, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, UBND huyện Phù Cát khẩn trương xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên đúng quy định. Trước đó, năm 2014, 11 giáo viên Trường Mầm non 19/5 thuộc diện được hưởng đặc cách tuyển dụng vào biên chế không phải qua thi tuyển, nhưng UBND huyện Phù Cát lại trì hoãn dẫn đến quyền lợi của 11 cô giáo bị "treo" cho đến nay. Hiện 11 cô giáo phải làm việc theo chế độ hợp đồng từng năm, không được tăng lương và không được hưởng các khoản phúc lợi theo quy định mà đáng ra các cô giáo được hưởng.

 

Theo Đại Thắng (giaoducthoidai.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật