Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của EU
Quang cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2018 có 22 tàu/175 thuyền viên vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý, trong đó: Huyện Phù Cát 9 tàu, huyện Phù Mỹ 1 tàu, huyện Hoài Nhơn 12 tàu. Trong 10 tháng đầu năm 2019 có 18 tàu cá/124 thuyền viên vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý, trong đó: Huyện Hoài Nhơn 8 tàu, Phù Cát 10 tàu. Từ đầu năm đến nay, Ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác kiểm tra tàu cá ra, vào cảng cũng như tàu cá hoạt động trên biển; đã kiểm tra tàu xuất bến tổng cộng 14.013 lượt tàu; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai việc thanh tra, tuần tra, kiểm soát để xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của nhà nước. Kết quả, từ đầu năm đã tổ chức 46 chuyến tuần tra, kiểm soát qua đó kiểm tra 627 lượt tàu cá, ngăn chặn 11 phương tiện giã cào có dấu hiệu vi phạm đang di chuyển trong khu vực ven bờ, lập biên bản xử phạt vi phạm 70 trường hợp với số tiền hơn 225,6 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn nhiều và diễn ra phức tạp, chủ yếu là nhóm các tàu hoạt động ở vùng biển phía Nam, không về địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý tàu thuyền, xử lý vi phạm. Công tác thu thập chứng cứ để xử lý vi phạm cũng gặp khó khăn vì khi tàu cá vi phạm cơ quan chức năng chỉ nhận được thông báo của nước Sở tại qua đường ngoại giao, cơ quan thực hiện xử lý không có Biên bản vụ việc.
Về thực hiện lắp đặt giám sát hành trình, Bình Định được Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ lắp đặt 424 thiết bị giám sát hành trình thông qua dự án Movimar (giai đoạn 2012-2019), trong đó: Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên có 69 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng lộ trình quy định (trước ngày 01/7/2019); đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 đến dưới 24m có 354 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình Movimar đã qua sử dụng nhiều năm đến nay đã cũ, thường xuyên bị hư hỏng, phụ tùng thiết bị thay thế, sửa chữa rất đắt tiền. Do vậy, sau khi dự án Movimar kết thúc vào tháng 12 năm 2019 thì chủ tàu phải tự lo kinh phí sửa chửa hư hỏng và phí thuê bao vệ tinh.
Toàn tỉnh hiện có 3.300 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải trang bị thiết bị giám sát hành trình (chiếm 53,97%). Theo lộ trình tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP, trong đó, tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương 1.647 chiếc phải lắp trước ngày 01 tháng 01 năm 2020 và 1.653 chiếc phải lắp cho các tàu còn lại trước ngày 01 tháng 4 năm 2020 theo quy định. Do thời gian còn rất ngắn nên việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho khối tàu này nếu không chỉ đạo quyết liệt sẽ rất khó đảm bảo theo lộ trình quy định.
Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành và địa phương có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là luật thủy sản 2017. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị định 42 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để người dân biết, thực hiện. Đối với các trường hợp ngư dân vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền các cấp và lực lượng chức năng liên quan để tàu cá tiếp tục bị vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu địa bàn quản lý có trường hợp vi phạm khai thác IUU. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị tổ chức lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá tại địa phương theo đúng lộ trình quy định đồng thời thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác theo quy định./.
Thùy Trang