Sơ kết 01 năm triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg
Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy. Sau đó, ngày 12/3/2019, trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương, đưa vào hoạt động phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Từ ngày ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg đến nay, đã có 95/95 cơ quan trung ương và các địa phương (100%) hoàn thành việc kết nối hệ thống theo dõi quản lý văn bản hành chính thông qua việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia. Từ giữa tháng 3/2019 đến hết tháng 9/2019, đã có trên 163.100 văn bản gửi và trên 488.160 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Đặc biệt, trong tháng 10/2019, có gần 67.300 văn bản gửi và trên 139.460 văn bản nhận trên Trục.
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương đã báo cáo sơ bộ về kết quả triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn liên quan đến việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính và ban hành quy chế quản lý văn bản điện tử mẫu; thành lập bộ phận chuyên môn để kiểm chứng, đánh giá các phần mềm kỹ thuật…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Đồng chí nhấn mạnh: Để tiếp tục triển khai hiệu quả, đáp ứng lộ trình đề ra tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg thì cần phải hoàn thiện thể chế, bảo đảm giá trị pháp lý cho việc sử dụng văn bản điện tử, đưa ra các quy định cụ thể trong công tác văn thư điện tử, lưu trữ điện tử đến việc thay đổi thói quen, phương thức xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng của cán bộ, công chức, nhất là đối với các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ. Đảm bảo liên thông gửi, nhận văn bản điện tử triển khai tới 100% các đơn vị hành chính các cấp, tiến tới gửi nhận văn bản 4 cấp; hướng tới 100% văn bản được ký số, gửi, nhận thông suốt thông qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel và các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác giúp đỡ các địa phương về nền tảng hạ tầng trên cơ sở xã hội hóa; các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng hệ thống thiết bị ứng dụng đảm bảo an toàn nhất và có cơ quan kiểm tra theo chức năng về xuất xứ thiết bị.
Đồng chí Mai Tiến Dũng cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương quan tâm dành nguồn lực cho việc phục vụ và xây dựng Chính quyền điện tử với phương châm “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, theo đúng tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kim Loan