Họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5
Tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sáng sớm ngày 31/10, bão số 05 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định-Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Tại An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió giật mạnh cấp 9, ở Quảng Ngãi gió giật cấp 7; An Khê (Gia Lai) gió giật cấp 7-8.
Hồi 04h00 ngày 31/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Gia Lai. Sức gió mạnh nhất vùng gần ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Campuchia.
Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đang lên nhanh và ở mức báo động 1. Dự báo lũ tiếp tục lên nhanh trong 6-12 giờ tới, mực nước trên các sông ở mức báo động 1 – báo động 2, có nơi dưới báo động 3 từ 0,2-0,3m; riêng sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 4,8m (trên BĐ3 là 0,3m), sông Đắc Bla tại trạm Konplong 595,0 (trên báo động 3 là 1m).
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng báo cáo tình hình của tỉnh sau cơn bão số 5
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, lần này việc triển khai công tác ứng phó được tỉnh thực hiện chặt chẽ. Tỉnh đã họp khẩn cấp và triển khai các đoàn đến địa phương làm các việc trước bão. Tuy nhiên, do sóng quá lớn 4,5m nên có 7 tàu vận tải gặp sự cố và các tàu đã vào khu neo đậu nhưng vẫn bị đứt neo, đến nay còn 3 tàu mắc cạn. Chúng tôi đã triển khai cho đẩy tàu vào nhưng vấn đề hiện nay của Bình Định là quá tải về khu neo đậu. Mặc dù đưa hết tàu vào khu neo đậu nhưng sức chứa chỉ có 50 chiếc.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, bão số 5 đổ bộ, hàng nghìn cây xanh đã bị đổ, làm sập 144 ngôi nhà, một số cây cầu bị sập... ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 400 tỉ đồng. Nguy hiểm nhất là có 2.000m kè biển ở Nhơn Hải cách nhà dân 100m bị sập, cuốn trôi 13 ngôi nhà. Chủ tịch UBND tỉnh lo lắng sau bão mưa lớn nếu không xử lý kịp thời thì 96 nhà dân khu vực này sẽ bị kéo xuống biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo và sự vào cuộc của các địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, do diễn biến bất thường của thời tiết trong những ngày tới bão sẽ đẩy vào phía Nam nên không được chủ quan. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rất có khả năng sẽ xuất hiện cơn bão mới gây mưa to, yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa được. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra, trước mắt là cơn bão mới có thể hình thành trong vài ngày tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tập trung chỉ đạo các cơ quan, thành viên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 5 và tình hình mới để tìm giải pháp ứng phó. Đề nghị bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả; hỗ trợ người dân gặp nạn trong bão như bị thương, mất tài sản trong bão...
Thùy Trang