|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với áp thấp nhiệt đới

(binhdinh.gov.vn)-Chiều nay 29/10, tại Văn phòng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn tỉnh triển khai nhanh các phương án ứng phó với với áp thấp nhiệt đới. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh buổi họp

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão đang tiến vào đất liền vào chiều tối và đêm mai 30/10. Vùng ảnh hưởng của bão từ Bình Định đến Ninh Thuận, trong đó trọng tâm là Phú Yên, Khánh Hòa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão dự báo mạnh cấp 8, cấp 9 giật cấp 11. Dự báo từ ngày 30 đến 31/10, khu vực tỉnh Bình Định sẽ có mưa rất to, tổng lượng mưa 400-600 mm/đợt. Từ ngày 30/10 trở đi các sông trong tỉnh khả năng xuất hiện đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động II đến báo động III, có nơi trên mức báo động III. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu ở hạ lưu các sông có thể xảy ra. Sau đó, từ ngày 4 đến 5/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn tỉnh, hiện trên biển có 237 tàu đang hoạt động với 1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm của ATNĐ. Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện thành phố ven biển đã phối hợp với gia đình thông tin đến các thuyền trưởng để chủ động phòng tránh. Đáng lưu ý nhất là tàu cá BĐ 98413 TS bị hỏng máy, trên tàu có 06 thuyền viên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng là ông Nguyễn Biển ở Hoài Hương, Hoài Nhơn đang được tổ đội đoàn kết hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Để ứng phó có hiệu quả đối với áp thấp nhiệt đới, hạn chế thiệt hại xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn tỉnh, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện, thành phố ven biển theo dõi quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi và tổ chức kiểm đếm số tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại các cảng cá và bến cá; kiểm tra, chằng buộc các lồng bè nuôi trồng thủy sản, sơ tán người bảo đảm an toàn; theo dõi, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho tàu vận tải biển đang neo đậu và đi qua khu vực Bình Định; rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo; hướng dẫn người dân để chủ động phòng, tránh; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các điểm trọng yếu và công trình đang thi công. Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện; đảm bảo an toàn giao thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ; kiểm tra việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du theo quy trình vận hành. Đồng thời lưu ý có biển báo và người hướng dẫn ở những vùng có nguy cơ cao ngập nước tại các đường giao thông; các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học khi không đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật