A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 5

(binhdinh.gov.vn) - Trưa 31.10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và cảnh giác hoàn lưu của bão gây mưa lớn, xảy ra lũ lụt. Cùng ngày, từ sáng sớm, lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (hàng trước, thứ tư từ phải sang) trực tiếp chỉ đạo khắc phục kè chắn sóng tại thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải.  Ảnh: TIẾN SỸ

Bão số 5 đổ bộ vào đất liền tối 30.10 đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Bình Định, đặc biệt là ở khu vực TP Quy Nhơn, với nhiều đoạn kè biển dọc đường Đống Đa đã bị sóng biển làm hư hỏng; cây xanh ở các tuyến đường An Dương Vương, Lê Lợi, Lý Thái Tổ, Vũ Bảo, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học… bị gió bão bẻ gãy hoặc xô bật gốc; hàng loạt trụ điện cao thế, hạ thế bị cây xanh ngã đổ vào làm đứt đường dây. Toàn bộ TP Quy Nhơn bị mất điện, đến trưa 31.10, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố mới được cơ bản phục hồi.

Công nhân Công ty CP Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cưa dọn cây bị ngã đổ. Ảnh: VĂN LƯU

Thu dọn rác thải tấp lên bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN

Tại xã Nhơn Hải, tuyến kè chắn sóng dọc theo thôn Hải Đông, Hải Nam với chiều dài hơn 02 km bị sóng biển làm hư hỏng nặng. Riêng đoạn kè tại thôn Hải Nam dài khoảng 120 m bị sóng đánh sập hoàn toàn và lấn sâu vào nhà dân từ 20 - 30 m, uy hiếp 250 ngôi nhà, trong đó có 3 ngôi nhà bị sập, 17 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Bà Ngô Thị Kim Liên, ở thôn Hải Nam, bàng hoàng kể lại: Sẩm tối 30.10, gió to, sóng lớn, nước biển liên tục vồ vào nhà, tôi sợ quá bỏ chạy lên những ngôi nhà phía sau để tránh trú. Sáng sớm, kè trước nhà và ngôi nhà tôi đã bị sập đổ hoàn toàn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bìa trái) trao hỗ trợ cho gia đình bị thiệt hại do bão số 5.

 Sáng 31.10, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có mặt tại các địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 5. Tại TP Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn triển khai các biện pháp đảm bảo toàn cho các tàu hàng, tàu cá tại khu vực Cảng Quy Nhơn. Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, cho biết: Cảng vụ đã triển khai rất nhiều biện pháp, đảm bảo an toàn cho hàng chục tàu và hàng trăm thuyền viên neo đậu tránh trú bão tại Cảng biển Quy Nhơn và Cảng Vũng Rô (Phú Yên), không xảy ra sự cố tràn dầu, không tổn thất về hàng hóa. Hiện có 3 tàu đang mắc cạn nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tàu.

Các lực lượng phối hợp gia cố đoạn kè bị sập. ẢNH: HỒNG PHÚC

Chính quyền TP Quy Nhơn cũng đã cấp phát 30.500 bao cát cho các phường, xã để khắc phục hậu quả bão số 5. Tại xã Nhơn Hải, hàng trăm chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích cũng đã được điều động cùng với người dân dùng bao cát khắc phục tạm kè chắn sóng tại thôn Hải Nam. Đến trưa ngày 31.10, các vị trí bị sập đã được gia cố. Dọc tuyến kè chắn sóng này có khoảng 91 hộ nằm trong vòng nguy hiểm. Các hộ này đã được UBND TP Quy Nhơn đưa vô diện di dời và cấp đất ở Khu tái định cư vùng thiên tai Nhơn Hải. Qua vận động đã có 47 hộ rời đi, các hộ còn lại vẫn ở lại. Sau đợt mưa bão này, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ này di dời để đảm bảo an toàn.

Ngày 31.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 5 trên địa bàn huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 5 gây ra, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay, đến chiều 31.10, trên địa bàn huyện có 2 nhà bị sập hoàn toàn, 11 nhà bị tốc mái, 880 nhà bị ngập nước. Bão số 5 cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, với hơn 3.600 ha lúa vụ Mùa và hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; 5 con bò bị chết; 25 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; hàng trăm mét đê sông, đường giao thông bị sạt lở…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa phải) kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 5 tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ). Ảnh: NGUYỄN HÂN

Tại huyện Phù Cát, ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Bão số 5 với sức gió mạnh kèm với mưa to đến rất to đã làm gãy đổ nhiều cây cối, hư hỏng nhà cửa; gây ngập úng nghiêm trọng nhiều khu vực dân cư. Đáng chú ý là hàng trăm mét khối đất đá trên sườn núi Gành thuộc địa bàn xã Cát Minh sạt lở, gây nguy hiểm cho 23 ngôi nhà dưới chân núi và ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 639, gây vỡ 3 tàu cá của ngư dân ở xã Cát Hải và Cát Khánh. Bão đã làm bị thương 2 người, làm sập 19 ngôi nhà, tốc mái 183 ngôi nhà khác, ngập nước gần 900 ngôi nhà. Đến chiều 31.10, nước lũ lên nhanh đã cô lập 400 hộ dân ở thônTân Tiến, xã Cát Tiến… Ước tính tổng thiệt hại do bão lũ gây ra khoảng 22 tỷ đồng.

Tỉnh lộ 639 qua xã Cát Thành (huyện Phù Cát) có nhiều đoạn bị ngập sâu, nhiều xe ô tô qua lại bị chết máy.  Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Để chủ động bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân trên địa bàn, UBND huyện Phù Cát đã tổ chức di dời 23 hộ dân/116 nhân khẩu ở chân núi Gành, xã Cát Minh; 21 hộ dân/73 nhân khẩu bị ngập sâu ở thôn Đại Lợi Nam, xã Cát Nhơn và 100 hộ dân/450 nhân khẩu bị ngập sâu trong vùng lũ xã Cát Chánh đến nơi ở an toàn.

Mưa bão làm cầu An Liên (xã An Dũng, huyện An Lão) nằm trong khu vực Dự án Hồ chứa nước Đồng Mít bị sập 3 nhịp chính với tổng chiều dài 24 m. Ảnh: HOÀNG NAM QUỐC
Chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa để rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó cơn bão số 5 và triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa lũ sau cơn bão này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó có Bình Định tổ chức phân tích, đánh giá những mặt được và hạn chế trong điều hành, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 5. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại. Các địa phương khẩn trương hỗ trợ cho người dân bị thương, hộ có nhà bị sập, hư hỏng, đảm bảo chỗ ở an toàn. Mặt khác, đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, đê kè bị bão làm hư hỏng. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm cùng với địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, điều tiết nước phù hợp. Bộ Công Thương, các địa phương và DN chịu trách nhiệm về sự an toàn các hồ thủy điện.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến chiều ngày 31.10, bão số 5 đã làm sập 144 ngôi nhà dân; 1.120 ngôi nhà khác bị hư hỏng và 1.962 ngôi nhà ngập nước; làm hư hỏng 2,8 km đường giao thông; 6,65 km kè bờ biển, bờ sông bị sạt lở; 200m kè biển và 5,817 km kênh mương bị hư hỏng. Về nông nghiệp, có 4.500 ha lúa và các loại hoa màu khác bị ngập, 20 ha mặt nước và 39 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại. Ngoài ra, bão còn làm cho 15 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng. Hệ thống điện cũng bị thiệt hại nặng khi 34 cột cao thế, 78 cột hạ thế gãy đổ; 10 km đường dây điện và 20 km cáp quang bị đứt. Tổng thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

Tại cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó cơn bão số 5 và triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa lũ sau cơn bão này, tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 150 tỷ đồng để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra và hỗ trợ ổn định dân sinh trên địa bàn tỉnh.     

MINH HẢI

TIẾN SỸ - NGUYỄN HÂN

Theo baobinhdinh.com.vn

 

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật