Hội thảo đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025 các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ
Quang cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 khu vực duyên hải Nam Trung bộ được triển khai tập trung tại 07 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận. Diện đầu tư thực hiện trên địa bàn là 202 xã (bằng 9,44% so với cả nước) và 204 thôn đặc biệt khó khăn (bằng 5,13% so với cả nước). Trong đó, ngân sách trung ương đã đầu tư, hỗ trợ trong 04 năm là 1.264,229 tỷ đồng; ngân sách địa phương, người dân tham gia đóng góp, lồng ghép các nguồn lực với tổng số 226,890 tỷ đồng. Trong 04 năm triển khai, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, đồng bộ các cơ chế, chính sách của các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, quản lý điều hành hiệu quả Chương trình 135, xây dựng và ban hành các chính sách đặc thù nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho địa bàn khó khăn nhất. Qua đó, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, công trình y tế, công trình giáo dục… đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng các xã vùng dân tộc đã được đầu tư, phát triển. 100% các xã đều có đường bê tông, được cung cấp điện, nước; mạng lưới y tế được cung cấp rộng rãi, 100% xã có bác sĩ… Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương còn ban hành một số chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS như: hỗ trợ giống nông nghiệp (giống lúa lai năng suất cao, rau sạch…); hỗ trợ chăn nuôi, thú ý; hỗ trợ hộ nghèo, hộ DTTS… Từ đó, đã góp phần giữ gìn và phát huy phong tục tập quán truyền thống, phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, Bình Định đang xây dựng 01 xã kiểu mẫu vùng đồng bào dân tộc, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, diện tích đất ở, đất sản xuất của mỗi hộ gia đình… Ngoài ra, với những chủ trương như: xây dựng mỗi làng 01 sản phẩm; vận động 02 doanh nghiệp hỗ trợ cho 01 làng đồng bào dân tộc… đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu mong muốn đại biểu của các tỉnh trong khu vực chia sẻ những bài học kinh nghiệm để xây dựng các chính sách hiệu quả cho thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng của người dân, giúp vùng đồng bào DTTS theo kịp sự phát triển KT-XH các vùng khác./.
Thùy Trang