Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Tại buổi tiếp xúc, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Cao Nhất đã thông báo cho cử tri xã An Hòa về dự kiến chương trình, nội dung của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 20.10 đến ngày 21.11.2016. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 14 Dự án luật và xem xét đánh giá các vấn đề kinh tế- xã hội và giám sát các vấn đề quan trọng khác.
Cử tri xã An Hòa có một số ý kiến, kiến nghị như: Đề nghị Nhà nước cần có chế tài xử phạt những trườn hợp phá rừng làm nưởng rẫy; chính sách nâng mức phụ cấp cho Phó công an xã; nâng mức phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã và các hội đoàn thể ở thôn vì mức hưởng phụ cấp hiện nay là quá thấp; Chính phủ quan tâm đầu tư thêm nguồn vốn về chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đối với các xã nghèo để có điều kiện hoàn thành các tiêu chí theo quy định…
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, ĐBQH Huỳnh Cao Nhất đã tiếp thu và giải trình một số vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để trình lên các cơ quan của tỉnh và Quốc hội xem xét.
* Cùng ngày, ĐBQH Đăng Hoài Tân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đã có buổi tiếp xúc cử tri tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn
Sau khi nghe ĐBQH Đăng Hoài Tân báo cáo tóm tắt dự kiến chương trình, nội dung và thời gian kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, cử tri phường Bình Định đã kiến nghị một số vấn đề trong đời sống, xã hội như: đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí tiền của Nhà nước; cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ xứng đáng hơn đối với những người có công tham gia kháng chiến chống pháp và chống Mỹ hiện đang còn sống. Liên quan đến ngành giáo dục, cử tri phường Bỉnh Định kiến nghị về chính sách, chế độ tiền lương của giáo viên khi được điều động, luân chuyển làm công tác quản lý trong ngành giáo dục còn bất hợp lý; vấn đề dạy thêm, học thêm còn tràn lan, gây áp lực lớn về học phí đối với phụ huynh, tạo sức ép học tập quá tải trong học sinh; cử tri cũng đề nghị các cấp và ngành chức năng rà soát, xem xét lại bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ tại Mả Tổ, thuộc địa bàn phường Đập Đá, để tránh tình trạng ghi thiếu soát tên các liệt sĩ...
Sau khi nghe các kiến nghị của cử tri, ĐBQH Đặng hoài Tân đã trả lời một số kiến nghị theo thẩm quyền và tổng hợp các ý kiến còn lại cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phản ánh tại kỳ họp Quốc sắp đến.
* Trước đó, ngày 1.10, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIV đơn vị tỉnh Bình Định: Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ công chức giáo viên huyện Tuy Phước. Cùng tham dự buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri
Sau khi nghe đại biểu Lý Tiết Hạnh thông báo dự kiến chương trình, nội dung của kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, cử tri huyện Tuy Phước đã kiến nghị một số vấn đề như: Đề nghị Bộ GD&ĐT cho dừng việc triển khai dạy thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường THCS Phước Hiệp và THCS Số 1 Phước Sơn; xem xét cho phép Phòng GD&ĐT huyện tuyển nhân viên y tế và kế toán trong nhà trường các cấp (vì Bộ GD&ĐT đã dừng tuyển nhân viên kế toán và y tế năm 2015); nghiên cứu lại tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên bậc mầm non. Cử tri cũng bày tỏ, theo văn bản hợp nhất số 04/24.12.2015 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành điều lệ Trường mầm non thì mỗi trường, mỗi nhà trẻ có không quá 7 điểm trường là khó thực hiện vì một số địa phương khó khăn không thể tập trung điểm trường cho đủ số điểm trường theo quy định, đề nghị Bộ xem xét bỏ tiêu chí này. Một số cử tri cũng cho rằng chương trình đào tạo nghề hiện nay còn nhiều bất cập, một số chương trình, nội dung đã cũ, cần đặt lại vị trí các môn học, nhất là đối với các môn học mang tính giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh như Giáo dục công dân, Lịch sử trở thành các môn bắt buộc; tiếp tục tăng cường dạy kĩ năng sống cho học sinh và tìm ra hướng giải quyết thích hợp để giải quyết tình trạng thất nghiệp khi ra trường của rất nhiều sinh viên.
Trả lời kiến nghị của cử tri về mô hình trường học mới, đại biểu Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mô hình VNEN qua thời gian triển khai đã tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Tuy nhiên việc áp dụng mô hình này nảy sinh nhiều bất cập. Bộ không yêu cầu tất cả các trường đã dạy VNEN phải tiếp tục mô hình này, mà để mỗi trường quyết định trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo hiệu quả và quyền lợi của học sinh. Trong giáo dục, đảm bảo quyền lợi của học sinh là yêu cầu cao nhất.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Phùng Xuân Nhạ còn trả lời cử tri một số vấn đề về phụ cấp thâm niên nhà giáo, việc chuyển xếp lương theo bằng cấp…Đối với các kiến nghị còn lại, đại biểu Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận và hứa sẽ chuyển đến Quốc hội và cùng với các Bộ, ngành của Trung ương xem xét, giải quyết. Những kiến nghị thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh và huyện Tuy Phước đại biểu Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh và huyện Tuy Phước trả lời thỏa đáng cho cử tri./.
Nam Quốc – Phạm Hùng – Nguyễn Hồng Phúc (baobinhdinh.com.vn)