Đoàn ĐHQH Bình Định thảo luận tổ về dự án Luật Trồng trọt
ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) phát biểu góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch
Tại tổ 6, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Trồng trọt.
Đối với, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật liên quan đến Luật quy hoạch, các đại biểu cho rằng, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.
Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo Luật Quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định) đề nghị cân nhắc việc bổ sung “đầu tư xây dựng quy hoạch” vào lĩnh vực đầu tư công vì không phản ánh đúng mục đích của đầu tư công; cần quy định ngay trong Luật nguồn vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công, không quy định giao Chính phủ vì sẽ tạo khoảng trống pháp luật về vốn xây dựng quy hoạch; đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công này đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 về nhu cầu vốn đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng việc bãi bỏ khoản 2 và khoản 3 Điều 67 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì việc xây dựng phải có giấy phép. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể để việc thực thi pháp luật được thống nhất; đồng thời rà soát lại toàn bộ các luật khác liên quan đến vấn đề quy hoạch để việc bỏ quy định quy hoạch ở một số Luật nhưng vẫn phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép xây dựng theo Luật Quy hoạch, gây phiền hà về thủ tục xây dựng không cần thiết.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về nhiều vấn đề mới của dự án Luật Trồng trọt như: chính sách của Nhà nước về trồng trọt; quản lý giống cây trồng; quản lý phân bón; quản lý canh tác... Góp ý về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 33 dự thảo Luật Trồng trọt), đại biểu Đặng Hoài Tân (Đoàn Bình Định) cho rằng quy định cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có tem truy xuất nguồn gốc để người sử dụng, cơ quan quản lý có thể kiểm tra là không khả thi, đề nghị xem xét quy định lại cho phù hợp. Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo cần giải thích, làm rõ khái niệm công nghệ chính xác để dễ áp dụng pháp luật trong thực tiễn; bổ sung tổ chức, cá nhân canh tác được quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp bị thiệt hại do hành vi vi phạm của tổ chức gây ra như việc xả lũ không đúng quy trình; xả nước thải gây ô nhiễm môi trường (Điều 65); cân nhắc không quy định nghĩa vụ của cá nhân trong canh tác (Điều 66) khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với phù hợp với kết cấu hạ tầng sẵn có và kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, cơ giới hóa trong trồng trọt, vì cho rằng đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng, hiện nay tỷ trọng trồng cây dược liệu gia tăng, nhất là các loại nấm ăn, đông trùng hạ thảo…Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể các loại giống mới để tạo điều kiện phù hợp, đáp ứng với sự phát triển của ngành trồng trọt trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức đề nghị cân nhắc không nên đưa quá nhiều quy định liên quan đến phân bón vào dự thảo Luật Trồng trọt, vì vấn đề này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác sẽ tạo nên sự chồng chéo, xung đột không cần thiết; rà soát lại các điều giao Chính phủ, các Bộ quy định về các thủ tục và kiến nghị cần quy định ngay trong Luật, để khắc phục tình trạng các bộ ban hành nhiều giấy phép con, gây phiền hà khi tổ chức hiện Luật trong thực tế.
Theo Sỹ Nguyên (baobinhdinh.com.vn)