|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao lưu trực tuyến về "Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với người lao động”

(binhdinh.gov.vn)- Sáng nay (21/10), Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh với chủ đề "Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với người lao động”. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Mai; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Võ Gia Nghĩa đồng chủ trì Hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Võ Gia Nghĩa; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Mai đồng chủ trì Hội nghị. 

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Buổi giao lưu sẽ diễn ra từ lúc 07h30 đến 11h30.

Một số câu hỏi tại buổi giao lưu:

Lê Kim Trọng - 09:37, 20/10/2016

Quy định của BHYT hộ gia đình là như thế nào?

Ông Huỳnh Đức Hùng - Trưởng phòng Quản lý thu - 07:51, 21/10/2016

Xin cảm ơn ông đã quan tâm đặt câu hỏi tại Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi, xin trả lời như sau:

Khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể mức đóng BHYT theo hộ gia đình được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT năm 2014 quy định về mức đóng như sau:

g) Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.“

Hiện nay mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng.

Vậy, mức đóng cụ thể như sau:

+ Người thứ nhất sẽ phải đóng với mức 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở thời điểm hiện tại là 1.210.000 đồng), tương đương 653.400 đồng;

+ Người thứ 2 đóng với mức 70% của người thứ nhất tương đương 457.400 đồng;

+ Người thứ 3 đóng với mức 60% của người thứ nhất tương đương với 392.000 đồng;

+ Người thứ 4 đóng với mức 50% của người thứ nhất, tương đương với 326.700 đồng;

+ Người thứ 5,6,7… đóng với mức 40% của người thứ nhất tương đương với 261.400 đồng.

 

Huỳnh Tiến - 09:38, 20/10/2016

Vợ tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Tây Sơn nhưng tôi lại muốn sinh con ở Bệnh viện ĐK Bình Định có được không? Quy trình thế nào?

Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHXH - 07:50, 21/10/2016

Trường hợp bạn đăng ký KCB  ban đầu tại bệnh viện  Phú Phong, bạn được sinh con tại Bệnh viện ĐK tỉnh Bình Định bởi vì trường hợp sinh đẻ được xem như là tình trạng cấp cứu, theo quy định đối với các trường hợp cấp cứu thì được điều trị ở bất cứ cơ sở KCB nào trong toàn quốc. Bạn chỉ cần trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và một loại giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ là được.

Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến!

 

Lê Thị Nhung - 11:05, 20/10/2016

Tôi là công nhân may trong khu công nghiệp, tháng 3 tôi có nghỉ ốm 5 ngày từ ngày 7.3 đến ngày 11.3, tôi đã nộp hồ sơ đầy đủ cho cơ quan BHXH và đã hưởng đầy đủ chế độ, tuy nhiên nghỉ hết ngày thứ 2 bắt đầu ngày thứ 3 tôi thấy đủ sức khỏe để đi làm và được công ty chấm công 3 ngày và đã được hưởng lương của 3 ngày đó. Sau khi đoàn kiểm tra của cơ quan BHXH đến công ty kiểm tra thì đề nghị thu hồi phần tiền 3 ngày nghỉ ốm của tôi. Xin quý cơ quan cho tôi hỏi cơ quan BHXH đề nghị có đúng không? Nếu đúng thì căn cứ nào đề nghị thu hồi.

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 07:49, 21/10/2016

Cám ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến "Chính sách BHXH, BHYT với người lao động"

Theo khoản 1, Điều 3 Luật BHXH 2014 thì BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Tại khoản 1, Điều 25 Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Theo quy định trên thì một trong những điều kiện để được hưởng chế độ ốm đau là phải nghỉ việc, trường hợp của bạn, bạn được nghỉ 5 ngày nhưng thực tế bạn chỉ nghỉ 2 ngày nên những ngày đi làm có hưởng lương thì không được hưởng trợ cấp ốm đau từ quỹ BHXH./.

 

Hoàng Văn Nhân - 11:06, 20/10/2016

Tôi là Hoàng Văn Nhân, sinh ngày 09/11/1989 ở Cát Tân, Phù Cát. Tôi bị tai nạn lao động năm 2013 và giam định y khoa mất 95% sức khỏe, hiện giờ tôi được hưởng trợ cấp mất sức lao động do bảo hiểm xã hội chi trả hàng tháng. Gần đây tôi đi bệnh viện cho biết BHYT của tôi được hưởng 80%. Tôi muốn biết chính xác BHYT của tôi được hưởng bao nhiều % khi KCB tại các cơ sở y tế?

Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHXH - 07:49, 21/10/2016

- Trường hợp thẻ BHYT của anh có mã đối tượng là HT, có mã quyền lợi số 3 thì anh được quỹ BHYT thanh toán 95%.

- Trường hợp thẻ BHYT của anh có mã đối tượng là MS, có mã quyền lợi số 4 thì anh được quỹ BHYT thanh toán 80%.

Quang cảnh buổi giao lưu

 Huỳnh Hiếu Trung - 11:07, 20/10/2016

Tôi tham gia BHXH, BHYT được 5 năm. Đầu năm 2016, tôi sinh con do công ty chậm phát thẻ BHYT nên tôi đã dùng thẻ BHYT nhân dân để đi viện. Vậy tôi có được hưởng tiền nghỉ chế độ thai sản 6 tháng không?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 07:48, 21/10/2016

Bạn đã tham gia BHXH liên tục 5 năm, sinh con đầu năm 2016 thì bạn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản 6 tháng theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

 

Đoàn Thị Hằng, hangrubi2014@gmail.com - 09:47, 20/10/2016

Chồng tôi đóng bảo hiểm xã hội được 8 tháng. Khi chồng tôi mất, tôi đang mang thai được 2 tháng. Vậy tôi có được hưởng chế độ nuôi con hay trợ cấp gì từ bảo hiểm xã hội không?, Xin cảm ơn.

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:12, 21/10/2016

Xin cảm ơn bạn đã tham gia chương giao lưu trực tuyến “Chính sách BHXH-BHYT đối với người lao động”

Căn cứ Điều 66, 67, 69,70 Luật BHXH năm 2014 thì chồng bạn đóng BHXH chỉ được 8 tháng nên không được hưởng trợ cấp mai táng mà chỉ được hưởng trợ cấp tuất 1 lần bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH./.

 

Phan Thái Bảo - 10:38, 20/10/2016

Chồng tôi hiện đang công tác tại công ty tư vấn (N). Hiện nay chồng tôi được 39 tuổi và đóng bảo hiểm đã được 20 năm, hiện nay do điều kiện gia đình và sức khỏe nên chồng tôi quyết định nghỉ việc để ở nhà để kinh doanh cùng gia đình. Vậy xin cơ quan chức năng cho chồng tôi về các phương án để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tốt nhất. Xin chân thành cảm ơn.

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:10, 21/10/2016

Xin cảm ơn bạn đã tham gia chương giao lưu trực tuyến “Chính sách BHXH-BHYT đối với người lao động”

Chồng bạn đã đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH nhưng chưa đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí. 

Theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH năm 2014 thì chồng bạn bảo lưu thời gian công tác, chờ đủ điều kiện về tuổi đời để đi giám định suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ hưu trí. 

 

Nguyễn Tuyết Nhung - 10:32, 20/10/2016

Tôi là người lao động tại Quy Nhơn và có đóng BHXH. Vợ tôi hiện chưa đi làm và cũng không đóng BHXH, BHYT, chỉ có tôi là đang đóng BHXH, BHYT hàng tháng. Vậy, khi vợ tôi sinh thì tôi được hưởng chế độ về tài chính như thế nào? Tôi đã hỏi công ty thì được biết là quy định chỉ hỗ trợ về thời gian nghỉ, còn về chế độ tài chính cho người cha thì không có? Điều này có đúng không và để được hưởng chế độ này thì tôi sẽ phải làm những gì và cần những giấy tờ gì?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:10, 21/10/2016

Cám ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến "Chính sách BHXH, BHYT với người lao động"

- Theo Khoản 2, Điều 34 Luật BHXH năm 2014 thì:

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

- Điều 38, Luật BHXH năm 2014 quy định: "Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con." (Trường hợp này thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con).

- Hồ sơ hưởng chế độ này do người sử dụng lao động lập & gửi cho cơ quan BHXH bao gồm:

+ Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con

+ Mẫu C70a-HD (Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK)./.

Cán bộ tham gia trả lời tại buổi giao lưu

 

Lâm Văn Nghị, 45 tuổi - 09:26, 20/10/2016

Vợ tôi đóng BHYT có đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, nhưng ở xã không đủ điều kiện để có thể sinh con ở đó mà phải đưa lên tuyến huyện. Nếu vợ tôi muốn vượt tuyến không lên tuyến huyện mà sinh con ở bệnh viện tỉnh luôn thì có được BHYT chi trả không? Quy định thế nào?

Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHXH - 08:09, 21/10/2016

BHXH Bình Định trả lời như sau:

Trường hợp bạn đăng ký KCB  ban đầu tại trạm y tế xã, bạn được sinh con tại Bệnh viện tuyến tỉnh bởi vì trường hợp sinh đẻ được xem như là tình trạng cấp cứu, theo quy định đối với các trường hợp cấp cứu thì được điều trị ở bất cứ cơ sở KCB nào trong toàn quốc (theo quy định tại khoản 6 Điều 8 thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014). Bạn chỉ cần trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và một loại giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ là được.

Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến!

 

Nguyễn Sinh Hùng - 10:30, 20/10/2016

Tôi là công nhân của 1 Công ty (A) nhưng trong một năm đầu mới làm việc tại Công ty tôi chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn là 2.5 tháng, đồng thời không được tham gia BHXH. Vậy tôi phải làm gì để được bảo vệ quyền lợi của mình? Rất mong Quý cơ quan trả lời tôi sớm để tôi không bị thiệt thời về BHXH.

Xin Ông Huỳnh Đức Hùng - Trưởng phòng Quản lý thu - 08:08, 21/10/2016

cảm ơn ông đã quan tâm đặt câu hỏi tại Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi, xin trả lời như sau:

Căn cứ quy định Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 trường hợp giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn phải thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động mới, nếu là hợp đồng xác định thời hạn thì chỉ được ký thêm một lần, sau đó vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014 thì người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; hợp đồng lao động có thời hạn 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018.

Đối chiếu quy định nêu trên trường hợp của ông trong một năm đầu liên tục ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn 2,5 tháng (quá 2 lần) là không đúng quy định của pháp luật về lao động. Đề nghị ông/bà kiến nghị công ty thực hiện giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình./.

 

Vũ Hoài Nam - 09:25, 20/10/2016

Tôi hưởng lương hưu theo BHXH, vợ tôi chỉ làm nội trợ ở nhà không có hưởng lương hưu theo BHXH, khi tôi mất thì vợ tôi có được hưởng chế độ trợ cấp gì không?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:06, 21/10/2016

Cám ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến "Chính sách BHXH, BHYT với người lao động"

Trường hợp ông mất, theo quy định tại điẻm b, Khoản 1, Điều 67 Luật BHXH năm 2014: "Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên";

Ngoài ra, theo Khoản 3 điều này: "Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công".

 

Lâm Việt Thắng - 09:39, 20/10/2016

Tôi đóng BHXH được 12 năm. Tôi muốn đóng BHXH tự nguyện 1 lần để sau này được hưởng lương hưu có được không? Tôi phải đóng bao nhiêu tiền?

Ông Huỳnh Đức Hùng - Trưởng phòng Quản lý thu - 08:04, 21/10/2016

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định về phương thức đóng như sau:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP như sau:

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ( hiện nay là 700.000đồng ) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở ( hiện nay là 24.200.000 đồng ) tại thời điểm đóng.

2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Căn cứ các quy định nêu trên bạn có thể lựa chọn cho mình mức đóng và phương thức đóng phù hợp. Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu./.

 

Huỳnh Hiệp - 11:04, 20/10/2016

Việc chuyển tuyến là một vấn đề vô cùng khổ sở cho người bệnh, nhiều trường hợp nặng nhưng bệnh viện không cho chuyển tuyến trên, việc này khiến nhiều người lâm vào tình trạng quá nặng nên khi chuyển tuyến sức khỏe đã nguy kịch, thời gian điều trị kéo dài. Mong cơ quan chức năng cho biết, đâu là nguyên nhân khiến bệnh nhân BHYT nội trú phải chịu như vậy?

Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHXH - 08:03, 21/10/2016

Trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Việc chuyển tuyến KCB thuộc trách nhiệm của CSKCB theo quy định  tại Khoản 1 Điều 5 TT 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 04 năm 2014)

Điều 5. Điều kiện chuyển tuyến

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;

b) Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;

c) Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).

Qua quy định trên BS điều trị của CSKCB đánh giá tình trạng bệnh nhân để quyết định việc chuyển tuyến điều trị bênh nhân.

Cảm ơn bạn đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến./.


Huỳnh Hùng Kiên, 52 tuổi - 09:28, 20/10/2016

Vợ tôi tham gia công tác tại một xí nghiệp ở Quy Nhơn được 18 năm rưỡi, nghỉ làm năm 2016, nhận trợ cấp nghỉ việc 2 triệu đồng. Theo tôi biết, tham gia bảo hiểm trên 15 năm thì có chế độ, vợ tôi công tác 18 năm rưỡi, nay tôi muốn hỏi vợ tôi có được quyền lợi gì không?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:02, 21/10/2016

Vợ bạn tham gia BHXH được 18 năm rưỡi, đã nghỉ việc. Vợ bạn có thể được hưởng 1 trong 2 quyền lợi như sau:

Căn cứ điểm 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014:

1. Hưởng trợ cấp BHXH 1 lần:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014

- 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

2.Tiếp tục tham gia BHXH cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định./.


Huỳnh Hiếu Trung - 07:54, 21/10/2016

"Tôi tham gia BHXH, BHYT được 5 năm. Đầu năm 2016, tôi sinh con do công ty chậm phát thẻ BHYT nên tôi đã dùng thẻ BHYT nhân dân để đi viện. Vậy tôi có được hưởng tiền nghỉ chế độ thai sản 6 tháng không? Được trả lời: Bạn đã tham gia BHXH liên tục 5 năm, sinh con đầu năm 2016 thì bạn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản 6 tháng theo quy định của Luật BHXH năm 2014." Vậy tôi cần làm những thủ tục gì để được hưởng trợ cấp bảo thai sản 6 tháng.

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:00, 21/10/2016

Cám ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến "Chính sách BHXH, BHYT với người lao động"

Thủ tục thanh toán chế độ Thai sản do người sử dụng lao động lập & gửi cho cơ quan BHXH bao gồm:

+ Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;

+ Mẫu C70a-HD (Danh sách đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK)./.

Cán bộ tham gia trả lời tại buổi giao lưu

 

Hoàng Minh Việt - 09:36, 20/10/2016

Tôi tham gia BHXH tại Công ty TNHH Thành An được 8 năm, giờ tôi nghỉ việc ở đó. Tôi muốn đóng BHXH được không? Mức đóng là bao nhiêu?

Ông Huỳnh Đức Hùng - Trưởng phòng Quản lý thu - 07:55, 21/10/2016

Bạn được tham gia đóng BHXH theo loại hình BHXH tự nguyện. Phương thức đóng và mức đóng cụ thể như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định về phương thức đóng như sau:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP như sau:

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ( hiện nay là 700.000đồng ) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở ( hiện nay là 24.200.000 đồng ) tại thời điểm đóng.

2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Căn cứ các quy định nêu trên bạn có thể lựa chọn cho mình mức đóng và phương thức đóng phù hợp. Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu./.

 

Nguyễn Văn Tuấn, 29 tuổi - 09:29, 20/10/2016

Tôi là một cán bộ nhà nước. Tôi bị tai nạn lao động được hưởng chế độ TNLĐ hàng tháng từ tháng 5/2002. Do sức khỏe yếu nên tôi xin nghỉ việc tại cơ quan từ tháng 2/2016. Vậy tôi có được cấp thẻ BHYT hàng tháng không?

Ông Phạm Vũ Quang Hà - Trưởng phòng Cấp sổ, thẻ - 07:54, 21/10/2016

Theo quy định của Luật số: 46/2014/QH13 luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định: “Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng” do chức bảo hiểm xã hội đóng. Vậy trường của Bạn được cấp thẻ BHYT, bạn liên hệ với cơ quan bhxh được được giải quyết.

Cảm ơn bạn đã tham gia đặt câu hỏi!

 

Nguyễn Hồng Loan - 21:43, 19/10/2016

Xin quý cơ quan cho người dân chúng tôi biết danh mục bệnh dài hạn được bảo hiểm xã hội chi trả? bệnh ung thư có được bảo hiểm xã hội chi trả hay không? thủ tục thanh toán như thế nào?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 07:54, 21/10/2016

Cám ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến "Chính sách BHXH, BHYT với người lao động"

Danh mục Bệnh cần chữa trị dài ngày được quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2016. Theo đó, Bệnh ung thư các loại (mã bệnh từ C00 đến C97; D00 đến D09) thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được BHXH thanh toán. Thủ tục thanh toán được quy định tại Điều 100 Luật BHXH năm 2014 gồm:

- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú. Trường hợp điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

- Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập (mẫu C70a-HD).

 

Thời gian giao lưu trực tuyến đã kết thúc, những vướng mắc của bạn đọc còn lại sẽ được trả lời và đăng tải sau./.

BBT


Tin nổi bật Tin nổi bật