A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động ứng phó cơn bão số 7

Ngày 16.10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ứng phó với cơn số 7 (SARIKA). Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, sáng 16.10 bão số 7 đã đi vào biển Đông với sức gió rất mạnh và diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Đến 7 giờ ngày 17.10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc, 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17. Đến 7 giờ ngày 18.10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quân đảo Hoàng Sa, sức gió vẫn duy trì cấp 14 giật cấp 16-17. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có sức gió mạnh cấp 8-12, biển động dữ dội; đặc biệt khu vực Đông Bắc và Trung Trung bộ (từ Quảng Ninh- Thừa Thiên Huế) có gió mạnh kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Do vậy, các địa phương cần chủ động các biện pháp, sẵn sàng ứng phó với bão số 7.

Hội nghị toàn quốc ứng phó với cơn bão số 7 tại điểm cầu Bình Định.

Báo cáo từ các điểm cầu tại các địa phương cho thấy, công tác ứng phó với cơn bão số 7 đã được triển khai một cách khẩn trương. Tuy nhiên, nhiều tỉnh khu vực Bắc Trung bộ bị thiệt hại nặng do các đợt mưa lũ lớn gây ra, chưa kịp khắc phục hậu quả, sẽ gặp khó khăn trong công tác ứng phó với bão số 7. Riêng tại tỉnh ta, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã kiểm tra, xác định số lượng tàu thuyền tại địa phương và tàu thuyền trên các vùng biển; đồng thời liên lạc, thông báo cho ngư dân biết diễn biến của bão để di chuyển tàu cá ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Đến ngày 16.10, toàn tỉnh có 6.351 tàu cá/43.431 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 4.194 tàu/23.929 lao động đang neo đậu và khai thác thủy sản ven bờ trong tỉnh. Khu vực biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ninh có 15 tàu/180 lao động. Khu vực biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng 297 tàu/3.472 lao động. Khu vực biển từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.657 tàu/13.017 lao động. Khu vực biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có 93tàu/694 lao động và khu vực quần đảo Trường sa có 95 tàu/617 lao động. Hầu hết các tàu cá của ngư dân đã biết thông tin về bão số 7 và đang di chuyển xa vùng bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi diễn biến bão số 7 và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các Bộ, ngành và các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các bộ: NN&PTNT, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Y tế… tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhanh chóng triển khai công tác ứng phó với bão số 7 và chủ động chuẩn bị các biện pháp khắc phục thiên tai. Các tỉnh, thành trong nước cần phải rà soát và triển khai nhanh phương án ứng phó với bão số 7 theo phương châm 4 tại chỗ. Riêng các tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới vừa qua, tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ động viên nhân dân, khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 7. Các tỉnh từ từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, chủ động năm bắt thông tin tình hình về bão, thông báo tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm đếm, cấm tàu thuyền không được ra khơi khi thời tiết nguy hiểm. Chủ động di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi…

Theo T.Sỹ (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật