|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GS. Trịnh Xuân Thuận: Phải biết mình thích gì, đam mê gì để theo đuổi

Trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần XII năm 2016, chiều 8.7 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra buổi nói chuyện, giao lưu của GS. Trịnh Xuân Thuận (68 tuổi, giảng viên ngành vật lý thiên văn tại Đại học (ĐH) Virginia, Mỹ) với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học. Chương trình do Hội LHTN tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phối hợp tổ chức.

GS. Trịnh Xuân Thuận (ngồi giữa) giao lưu cùng các bạn trẻ và người yêu khoa học chiều 8.7. Ảnh: VĂN LƯU

Buổi nói chuyện xoay quanh chủ đề: “Con người và vũ trụ: Vũ trụ có một ý nghĩa gì không?”, với những sơ lược về lịch sử ngành vật lý thiên văn, về sự hình thành vũ trụ... GS. Trịnh Xuân Thuận cũng chia sẻ về con đường ông đến và thành công với khoa học cơ bản.

GS. Trịnh Xuân Thuận đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Kỹ thuật California ở bang California (Hoa Kỳ) từ 1967 đến 1970 và tại ĐH Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại ĐH Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành vật lý thiên văn này tại ĐH Virginia và là giáo sư thỉnh giảng ĐH Paris 7.

“Một trong những điều rất quan trọng trong cuộc đời làm khoa học là được các giáo sư giỏi dạy cho cách nghiên cứu, cách nghĩ, cách tiến tới... Tôi may mắn có được điều đó tại Caltech. Hai giáo sư tại trường này là William Alfred Fower (giải Nobel Vật lý năm 1983) và Gordon Garmire hướng dẫn tôi rất nhiều” - GS. Thuận cho biết.

Các bạn trẻ đã đặt nhiều câu hỏi cho GS. Trịnh Xuân Thuận về những vấn đề liên quan đến sự hình thành vũ trụ, về sự sống bên ngoài Trái đất, khả năng áp dụng của các công trình vật lý thiên văn trong thực tiễn... Với lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, GS. Thuận cho rằng, trước hết là phải biết mình thích gì, đam mê gì để theo đuổi. Tiếp sau đó là ý chí. “Lúc còn trẻ, tôi phải rời xa đất nước mình, xa gia đình mình, mà lúc đó nhìn Trái đất rộng lớn lắm chứ không phải như bây giờ nên nhiều lúc nản lắm chứ. Khi đó, tôi không có nhiều tiền, không nói được tiếng Anh nhưng tôi vẫn xin được học bổng của Mỹ” - ông nhấn mạnh.

Theo THU HIỀN (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật