|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết sản xuất Trồng trọt vụ Đông Xuân 2019-2020 và triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, Mùa năm 2020

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 13/3, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 và triển khai vụ Hè Thu, Mùa năm 2020 các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNN, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, đến nay toàn vùng sản xuất hơn 314,2 nghìn ha lúa, năng suất ước đạt gần 66,3 tạ/ha, tăng 2,16 tạ/ha, với sản lượng ước đạt 2.028,6 nghìn tấn, tăng 33,8 nghìn tấn so với Đông Xuân 2018-2019. Các tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đặc biệt các giống ngắn ngày, có khả năng chịu hạn, nhưng vẫn đạt năng suất cao. Điều này giúp giảm tối thiểu 2 lần tưới để dành nước cho vụ Hè Thu. Đặc biệt, ngay vụ Đông Xuân, các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ước đạt gần 10.400 ha, dự kiến trong năm nay diện tích chuyển đổi toàn vùng lên hơn 16.600ha.

Tuy nhiên, việc sản xuất vụ Hè Thu trong khu vực năm nay dự báo nhiều khó khăn. Khi mà lượng nước tại các hồ chứa đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ trong khi lượng mưa lại thấp. Tại các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhiều hồ chứa chỉ đạt 10-40% dung tích thiết kế. Dự báo năm nay toàn khu vực vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ hạn tương đương những năm hạn hán nặng như 2015 - 2016. Đối với khu vực Tây Nguyên, nước ở các hồ chứa vào thời điểm này còn 62% dung tích. Hiện, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 341 ha cây trồng bị thiếu nước. Dự báo trong thời gian còn lại mùa khô năm 2020, lượng mưa thấp vì vậy khả năng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước toàn vùng tăng lên 25.000 – 30.000 ha.

Đối với tỉnh Bình Định, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên 137 nghìn ha, chiếm 22,6% diện tích đất tự nhiên; cơ cấu cây trồng phong phú, đa dạng; ngành trồng trọt luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 2%, chiếm trên 47% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ gặp khó khăn do tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn. Riêng tỉnh, lượng nước tại các công trình thủy lợi hiện có trên 357 triệu m3, đạt trên 60% dung tích thiết kế, bằng 88,5% so cùng kỳ năm 2019, dự báo sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 sẽ gặp khó khăn do nắng hạn, thiếu nguồn nước tưới. Xác định tầm quan trọng của ngành trồng trọt, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, trong thời gian qua, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để giành thắng lợi vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và đề ra nhiều giải pháp để chỉ đạo sản xuất trồng trọt, cung cấp nước tưới trong điều kiện nắng hạn, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; thực hiện các giải pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; chỉ đạo thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống phù hợp với tình hình nắng hạn. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển trồng trọt như: chính sách chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa; chính sách phát triển giống cây trồng; chính sách chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất 3 vụ lúa/năm; chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và nhiều chính sách khác có liên quan.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu của 13 tỉnh, thành trong khu vực cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất và đề ra các giải pháp nhằm chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh đã đưa ra 2 phương án cho vụ sản xuất Hè Thu năm nay trong điều kiện đối mặt do hạn hán. Theo đó, phương án 1, nếu hạn nặng như các năm 2015 và 2016, thì vụ Hè Thu năm 2020, toàn vùng chỉ gieo khoảng 177 nghìn ha, giảm 10 nghìn ha; phương án 2, trong tình hình hạn nặng hơn năm 2015-2016, vụ Hè Thu toàn vùng phải lên kế hoạch giảm hơn 47 nghìn ha lúa. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ nước cho cây trồng vào cuối vụ thì quyết liệt chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ và chuyển đổi cây trồng; cơ cấu giống lúa tập trung sử dụng các giống ngắn ngày từ 90 đến 95 ngày. Bên cạnh đó, các tỉnh phải tuyệt đối tiết kiệm nguồn nước; đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn khoảng 15 ngày để tận dụng nguồn nước, chủ động các phương án chống hạn.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật