|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX)

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 19/12/2019, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Bình Định, tham dự hội nghị có đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Điểm cầu Bình Định

Theo Bộ Tư pháp, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng lên. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng bài bản, hiệu quả. Thiết chế hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cần chú trọng thực hiện.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội... Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Đó là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành tư pháp.

Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm của chặng đường 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và chúc mừng kết quả tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương đạt được trong công tác BPGDPL thời gian qua. Đồng chí đề nghị thời gian tới, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương tiếp tục quán triệt, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác BPGDPL trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của cấp ủy, tổ chức đảng, sự tích cực chủ động triển khai, thực hiện BPGDPL của các bộ, ngành, địa phương; sự phối hợp hỗ trợ tham gia trên tinh thần cao nhất của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực tích cực chủ động tìm hiểu pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế đáp ứng công tác BPGDPL theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BPGDPL. Xác định đổi mới công tác BPGDPL ở nước ta hiện nay là yêu cầu mang tính khách quan trước bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và tích cực chủ động hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một xã hội đề cao giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tinh thần dân chủ và pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để sống và làm theo hiến pháp và pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, BPGDPL. Đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhà trường, trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện công tác BPGDPL, trọng tâm là thực hiện rà soát củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ được giao làm đầu mối tham mưu triển khai thực hiện công tác BPGDPL liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; phát huy đầy đủ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia giám sát, phản biện chủ trương, chính sách, pháp luật và quá trình tổ chức thực hiện pháp luật; phối kết hợp và triển khai công tác PBGDPL với hoạt đông hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án để găn kết chặt chẽ hơn nữa công tác PBGDPL với hoạt động thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật...

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật