Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ (2016-2020).
Cũng trong năm 2020, Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng, chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Trong giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề về triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục thi hành Nghị định số 19 ngày 12/2/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính; phát huy vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng khẳng định, trên tinh thần kỷ cương dân chủ, xây dựng pháp luật là nền tảng quan trọng để phát triển đất nước. Năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều khó khăn đặt ra cho ngành Tư pháp, nhưng với những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành Tư pháp cần thực thi nhiệm vụ trên tinh thần “Xem kỹ, soi chặt, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, làm nhiều, hiểu biết kỹ và tham mưu tốt hơn”. Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần thường xuyên rà soát để tránh chồng chéo các văn bản pháp luật; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống văn bản pháp luật; đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Các cơ quan, con người ngành Tư pháp rất quan trọng và cần phải gương mẫu, tận tụy, nêu gương, giúp các địa phương quan tâm hơn, thực thi đúng hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ tốt hơn nền tư pháp của Việt Nam.
Thùy Trang