A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh; đại diện các tổ chức giám định tư pháp cùng tham dự hội nghị.

Điểm cầu Bình Định

Ngày 20/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (Luật năm 2012). Qua hơn 7 năm thi hành Luật, bên cạnh những kết quả tích cực, pháp luật về giám định tư pháp cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021 (Luật năm 2020).

Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã trình bày những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Theo đó, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định; trưng cầu giám định; thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, UBND cấp tỉnh) đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp.

Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: bổ sung 01 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 08 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); bổ sung 04 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 04 điểm và sửa đổi, bổ sung 09 điểm.

Để đẩy mạnh việc triển khai Luật năm 2020 trên thực tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh quan tâm, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc những nhiệm vụ đã được Luật quy định, những nội dung công việc đã được Thủ tướng Chính phủ giao/đề nghị, nhất là các nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện và trọng tâm như: phổ biến, quán triệt về nội dung của Luật; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ, ngành mình, sớm ban hành quy trình giám định ở các lĩnh vực; ban hành chỉ tiêu thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; hướng dẫn về cấp phát, bảo đảm nguồn kinh phí chi trả đầy đủ, kịp thời chi phí giám định, chi phí tham dự phiên tòa cho người giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng; hướng dẫn về căn cứ, cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự; đổi mới quy trình bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, củng cố danh sách tổ chức, người giám định tư pháp tại các bộ, ngành và địa phương theo hướng căn cứ vào kết quả đánh giá, số liệu thống kê về trưng cầu, thực hiện giám định, dự báo nhu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương và cấp tỉnh...; cấp thẻ giám định viên tư pháp. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương ban hành hướng dẫn về trưng cầu giám định, chỉ tiêu thống kê và tổ chức thống kê, đánh giá về hoạt động, dự báo nhu cầu giám định tư pháp trong hệ thống các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử để báo cáo Quốc hội và cung cấp thông tin, số liệu về tình hình trưng cầu, thực hiện giám định cho các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở Trung ương và địa phương. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định tư pháp ở các lĩnh vực, địa phương; bồi dưỡng, tập huấn về giám định tư pháp cho đội ngũ người tiến hành tố tụng. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại các bộ, ngành và địa phương... bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý công tác giám định tư pháp./.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật