Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo TTATGT giai đoạn 2016 - 2020 tại điểm cầu Hà Nội.
Trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân; công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước.
Đáng chú ý, tình hình TTATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2015, giảm trên 42% về số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết, giảm gần 54% về số người bị thương, trong khi điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh. Đặc biệt, năm 2020 đã giảm trên 10% cả số vụ, số người chết, số người bị thương.
“Điều đó khẳng định các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011 và Nghị quyết số 12/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo trên các mặt công tác”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Điểm cầu Bình Định
Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Định, qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, giao thông thông suốt, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, tai nạn giao thông năm sau giảm hơn năm trước; số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông giảm rõ rệt so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể: giai đoạn 2016-2020 (từ ngày 15/11/2016 đến ngày 14/11/2020), toàn tỉnh xảy 1.309 vụ tai nạn giao thông, làm chết 763 người, bị thương 906 người; so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015, giảm 2.577 vụ (-66,3%), giảm 435 người chết (-36,3%), giảm 3.407 người bị thương (-78,9%).
Giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề ra các mục tiêu: nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương hàng năm; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025 trong công tác đảm bảo TTATGT: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt; tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu. Tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong toàn dân. Tiếp tục thực hiện năm An toàn giao thông hàng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”…
Kim Loan