Tình hình công tác kiểm tra, xử lý; rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh
Kiểm tra công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của HĐND, UBND thành phố Quy Nhơn. (Nguồn ảnh: stt.binhdinh.gov.vn)
Từ năm 2018 đến tháng 9/2020, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 302 văn bản QPPL; trong đó có 91 nghị quyết của HĐND tỉnh và 211 quyết định của UBND tỉnh. Cùng thời gian trên, HĐND, UBND cấp huyện đã ban hành 139 văn bản QPPL. Qua kiểm tra, chưa phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền theo quy định.
Trên cơ sở Kế hoạch hằng năm của UBND tỉnh về kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch và thực hiện kiểm tra 06 đơn vị, gồm: huyện Vĩnh Thạnh và huyện Hoài Ân (năm 2018); huyện An Lão và thành phố Quy Nhơn (năm 2019); huyện Phù Mỹ và huyện Tây Sơn (năm 2020). Trong hơn 15 nghìn văn bản được kiểm tra, có trên 150 văn bản QPPL, còn lại là các quyết định, chỉ thị hành chính cá biệt. Kết quả, Sở Tư pháp chưa phát hiện văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền cũng như không có văn bản hành chính cá biệt chứa QPPL. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của các huyện, thị xã, thành phố nêu trên theo quy định.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản VPPL, UBND tỉnh luôn coi công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản là một nhiệm vụ trọng tâm và thiết thực trong công tác điều hành, quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực hoạt động. Trong 02 năm 2018 và 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố Danh mục 86 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 63 văn bản hết hiệu lực một phần. Riêng Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần năm 2020 sẽ được công bố vào đầu năm 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Định trong kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018. Theo đó, rà soát được 863 văn bản, trong đó có 283 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 580 văn bản hết hiệu lực một phần; 28 văn bản kiến nghị bãi bỏ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 - 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 về việc bãi bỏ một số văn bản QPPL do UBND tỉnh Bình Định ban hành; trong đó bãi bỏ 28 văn bản QPPL.
Sau khi Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được ban hành, tỉnh Bình Định đã tiến hành phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hệ thống văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; có tác động lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Để công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm đến các điều kiện đảm bảo thi hành của công tác kiểm tra, rà soát văn bản như: Cơ chế thu hút chuyên gia và cán bộ, công chức giỏi, am hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực văn bản tham gia vào công tác kiểm tra, rà soát văn bản; đổi mới việc quản lý sử dụng kinh phí, cơ chế chính sách về tiền lương, phụ cấp trách nhiệm nghề... cho cán bộ làm công tác pháp chế, kiểm tra, rà soát văn bản ở cơ quan thuộc ngành Tư pháp các cấp và cơ quan chuyên môn nhằm thu hút cán bộ, công chức có chuyên môn cao, kiến thức sâu về lĩnh vực này.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng các chức danh chuyên trách làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này. Đồng thời, đổi mới cách thức và nâng cao nội dung về đào tạo, tăng cường công tác tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản, hướng dẫn chuyên sâu, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, tình huống cụ thể. Tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Nâng cao hơn nữa chất lượng của Trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác xây dựng văn bản, rà soát, kiểm tra văn bản ở địa phương…
Kim Loan