|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng thực hiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật

(binhdinh.gov.vn) - Để nâng cao Chỉ số chất lượng công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL, trong năm 2020, tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Từ ngày 01/01/2020 đến 30/11/2020, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 90 văn bản QPPL gồm: 17 Nghị quyết của HĐND và 73 Quyết định của UBND. Tất cả văn bản QPPL được ban hành theo thẩm quyền đều được lấy ý kiến theo hai hình thức là lấy ý kiến bằng văn bản đối với các đối tượng trực tiếp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành chủ trì soạn thảo và đều có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp. Đồng thời, tất cả các văn bản này đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia.  

Đến nay, các văn bản quy định chi tiết các Luật có hiệu lực thi hành trong năm 2020 đã được các cơ quan trình HĐND, UBND tỉnh ban hành theo đúng tiến độ được giao, gồm: Nghị quyết của HĐND tỉnh điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc; Mức thu học phí cấp tiểu học đối với cơ sở giáo dục công lập áp dụng cho năm học 2020 - 2021; Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021 - 2022; UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định điều kiện cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn. Riêng đối với các văn bản quy định chi tiết về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ được xây dựng và ban hành trong năm 2021 theo lộ trình có hiệu lực của văn bản được giao. Sau khi Luật Ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được ban hành, UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vì vậy, các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Bình Định ban hành trong thời gian qua cơ bản là đúng thẩm quyền, căn cứ pháp lý ban hành văn bản phù hợp với các quy định hiện hành và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Hệ thống văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, có tác động lớn và tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh việc quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL UBND tỉnh còn thường xuyên rà soát văn bản để phát hiện những quy định không còn phù hợp với quy định của pháp luật; kịp thời bãi bỏ các văn bản QPPL đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế, bãi bỏ thông qua công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản kỳ 2014 - 2018 trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính hợp lý, thống nhất của hệ thống văn bản QPPL.

UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương và hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL. Cụ thể: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu về sự cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020. Điều chỉnh quy định về quy trình phân tích và đánh giá tác động chính sách ở địa phương theo hướng lồng ghép đánh giá tác động chính sách vào quy trình soạn thảo văn bản QPPL nhằm đơn giản hóa thủ tục xây dựng văn bản QPPL, tiết kiệm thời gian, công sức cho các cơ quan tham mưu xây dựng văn bản QPPL. Sửa đổi quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP theo hướng quy định cụ thể những chính sách nào thì cần thiết phải thực hiện quy trình phân tích, đánh giá tác động, những chính sách nào là không nhất thiết thực hiện quy trình này và có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để địa phương áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương cần xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện tùy theo từng lĩnh vực để làm cơ sở, định hướng cho địa phương vận dụng một cách thống nhất, đồng bộ, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện theo một phương pháp khác nhau. Cần nghiên cứu cơ chế hữu hiệu trong việc lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng bị tác động của chính sách, tránh trường hợp mang tính hình thức, quy trình bắt buộc như các quy định hiện nay. Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP theo hướng mở rộng thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính trong văn bản QPPL. Hoàn thiện cơ chế pháp luật về phân tích, đánh giá tác động chính sách về kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, về thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật trong quy trình xây dựng, xem xét, thông qua, ban hành các văn bản QPPL của địa phương đảm bảo tính khoa học, hợp lý bằng các quy định cụ thể. Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có biện pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nội dung bất cập giữa Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với các thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; hội thảo, trao đổi về phân tích, đánh giá tác động chính sách trong các văn bản QPPL do địa phương ban hành.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật