Một số kết quả trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh
Ảnh minh họa (Nguồn: bcd389.gov.vn)
Tập trung triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý VPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Bên cạnh công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Xử lý VPHV và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, UBND tỉnh còn chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý VPHC và công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý VPHC.
Trong năm 2020, Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tỉnh đã tổ chức kiểm tra 02 đơn vị (Sở Công Thương và UBND thị xã Hoài Nhơn) và trình UBND tỉnh ban hành kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Bên cạnh đó, một số sở, ngành trong tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC trên một số lĩnh vực trọng điểm như: Công tác quản lý đầu tư xây dựng các Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; hoạt động kinh doanh du lịch và tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội và giáo dục nghề nghiệp; về hoạt động đầu tư xây dựng; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá,…
Áp dụng pháp luật về xử lý VPHC
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7.112 vụ VPHC (giảm 8% so với cùng kỳ năm trước) với 7.422 đối tượng vi phạm (giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước). Hành vi VPHC của cá nhân chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực: đất đai; xây dựng; môi trường; trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; vệ sinh an toàn thực phẩm; mỹ phẩm, dược phẩm, y tế; nhãn hàng hóa; khoáng sản; lâm nghiệp; thủy sản; quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; quốc phòng, an ninh,…
Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 7.620 quyết định xử phạt VPHC và đã thi hành 7.166 quyết định; thu phạt được trên 27,6 tỉ đồng. Ngoài ra, có 12 đối tượng đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý VPHC; kịp thời sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, hạn chế của Luật Xử lý VPHC và các nghị định có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi áp dụng thực hiện; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ xử lý VPHC trong một số lĩnh vực cụ thể cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý VPHC tại địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định thêm các mức chi hỗ trợ cho công thi hành pháp luật về xử lý VPHC đối với một số nhiệm vụ quan trọng như: Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính,… để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác này. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính bổ sung biên chế và kinh phí cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các sở, ngành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xử lý VPHC theo quy định…
Kim Loan